Bạn cũ Laval thân mến,
Tôi rất vui khi đọc những tin tức về cuộc họp mặt Laval sắp tới. Đọc bài anh Bùi Văn Tâm kể về những kỷ niệm cũ ở Laval, nhất là về những trận đá banh cũng như volley-ball với đội Montréal rất hào hứng. Đọc những dòng anh Tâm viết làm tôi nhớ đến hai người : đó là anh Lâm Chí Công và anh Dũng bầu Zumy. Sự có mặt của anh Lâm Chí Công trên sân cỏ (đội túc cầu) cũng như trên sàn gỗ (đội volley-ball) đã đem lại những thành công rực rỡ cho đội thể thao Québec. Những người đã có mặt tại PEPS hay trên sân cỏ trong các trận tranh tài với Montréal không thể nào không nhớ đến người có dáng vóc bé nhỏ nhưng giọng nói cổ võ cho đội nhà thì không bé chút nào, đó là ông bầu Nguyễn Hùng Dũng. Cả hai người bạn này nay không còn nữa. Tôi chỉ muốn nhắc lại để chúng ta cùng tưởng nhớ.
Mùa mưa năm nay ở Yaoundé kéo dài hơn mọi năm. Cứ mỗi lần nhìn qua khung cửa sổ, thấy mây đen vần vũ, tôi lại nhớ đến bầu trời Sài Gòn mùa mưa năm nào, lúc còn cắp sách đến trường trung học Nguyễn Trãi.
Bầu trời Sài Gòn của tháng năm tháng sáu vào buổi chiều, mây mưa kéo đen nghịt. Rồi mưa đổ xuống một trận thật to...
Không hiểu sao tôi lại thích mưa như thế. Nằm nghe mưa rơi lộp độp trên mái nhà mang lại cho tôi thật nhiều cảm thọ khoan khoái và an lành. Có người hỏi tôi khi anh rời xứ sở này thì anh sẽ quyến luyến nhớ đến những gì nhất. Và dĩ nhiên câu trả lời đầu tiên của tôi sẽ là …chắc tôi nhớ mưa Yaoundé nhất…
Tôi đã có sẵn rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này vì tôi đã nghĩ đến những điều này từ trước. Dù biết rằng càng luyến tiếc thì càng khổ, nhưng tôi sẽ xin cố gắng luyến tiếc vừa phải thôi…Quyến luyến người, quyến luyến cảnh vật chung quanh mình,đó hình như cũng là một cái khổ lớn. Đạo Bụt đã nói đến cái khổ số tám này mà có thể các bạn đã đọc được trong các sách giảng về Bốn Sự Thật Tuyệt Vời.
Và như đã nói, cái mà tôi sẽ nhớ nhất là những cơn mưa to đổ nước xuống thành phố Phi Châu đất đỏ này. Mưa xối xả. Mưa nặng hột. Mưa rào. Mưa như trút nước…Nói đến đây trong óc tôi lại thoáng nghĩ đến một bài hát về mưa của cố nhạc sĩ Văn Phụng mà tôi chép lại dưới đây để bạn cùng hát với tôi. Bài nhạc viết theo điệu valse, nhảy múa như tiếng mưa rơi, thánh thót, êm đềm:
…Mưa rơi rơi trên đường, mưa rơi suốt canh trường
Mưa rơi ướt phố phường, mưa trôi lá trong vườn,
Mưa đang tí tách reo ven tường.
Mưa rơi trên sông dài, mưa qua khắp non đoài
Mưa cho thắm hoa đời, mưa cho hết u hoài
Mưa cho đám lúa non mỉm cười…
Viết về mưa như thế, theo tôi, không có ai có thể viết hay hơn được. Nhạc viết theo điệu valse vừa vui vừa trẻ trung tươi mát.
Nhiều khi tôi nghĩ tôi may mắn được lớn lên ở miền Nam và có đủ phước duyên để đón nhận và được hưởng những bài hát thật hay như thế. Tôi nghĩ những người trẻ cùng thời, đẻ và lớn lên ở miền Bắc, chắc không được hạnh phúc bằng dân miền Nam vì trong suốt thời kỳ chiến tranh Nam Bắc (1954-75) văn nghệ sĩ miền Bắc hình như không làm được những bài nhạc hay và trữ tình như văn nghệ sĩ miền Nam vì người dân miền Bắc phải sống nhiều trong lo âu và thiếu thốn, ngoài ra còn phải bị Đảng bắt lo nào hết thi đua công tác chiến đấu đến thi đua sản xuất, không còn thì giờ và đầu óc thảnh thơi để sáng tác. Ngày nay một số những bài nhạc miền Nam trước 75 được gọi là nhạc vàng này (có lúc đã bị gọi là nhạc ngụy) đã bắt đầu được cho hát lại khắp nơi trong nước.
Việc thứ nhì mà tôi sẽ nhớ đến là trái cây hoa quả. Nào xoài, nào đu đủ, nào măng cụt, nào cam, nào dưa hấu, nào quít, nào mảng cầu, nào chuối…Kể sao cho hết. Quả nào cũng tươi cũng ngon. Mua ngày nào ăn ngày đó. Những quả đu đủ solo (tên gọi ở đây) tuy bé và tròn nhưng đỏ hỏn bên trong và ngọt lịm. Nhưng quả xoài ngoài vỏ nhiều khi tuy trông xanh nhưng bên trong ruột đã chín vàng …
Hoa mọc đầy vườn. Những cây bông giấy được trồng bé tí cách đây hai năm lúc mới đến xứ sở này bây giờ đã mọc lên cao nghệu đến đầu tường, trổ bông sặc sỡ đủ màu đỏ tím vàng óng ánh lay động mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi và lấp lánh lung linh dưới tia nắng chiều yếu ớt. Những cây hoa đại, hoa hồng cũng thi sắc tặng chủ nhà những đóa hoa trắng, đỏ, vàng, rực rỡ. Đó là chưa kể đến vài cây ăn trái trong vườn, cây mảng cầu xiêm, cây a vô ca chê, cây ổi và cây lựu. Tha hồ ăn. Mùa nào trái ấy. Được ngắm hoa tươi đủ màu, được ăn những trái cây vùng nhiệt đới tươi ngon là một hạnh phúc lớn.
Việc thứ ba mà tôi sẽ lưu luyến là những người bạn dễ thương mới quen. Từ bạn đen (phần lớn là người bản xứ) đến bạn trắng (những người ngoại quốc Âu Mỹ đến đây làm việc). Tôi không có bạn Tàu từ Trung Quốc mặc dù họ rất đông ở thành phố này. Bạn da vàng thì có gia đình Việt Nam duy nhất ở Cameroun, bác Dân và hai đứa con trai, mà chúng tôi luôn khắng khít. Chưa đến ngày đi mà bác Dân đã buồn...
Các linh mục người Việt Nam đã rời xứ này từ năm ngoái. Hiện tại có Soeur Lệ đang làm việc trong rừng sâu phía Nam, sống chung với những người Pigmees. Chúng tôi đã được dịp gặp Soeur Lệ, một người tu đạo Chúa dòng Les Soeurs de Jésus. Sơ còn trẻ, tuổi ngoài 40, mà đã có chí hướng sống vì đạo, giúp người giúp đời, thật đáng phục.
Nói về những người dễ thương mà tôi đã gặp trên xứ sở này thì nói mãi không hết. Những người bạn da trắng làm việc chung trong hội những người ngoại quốc xa xứ (club des expats). Hội này đã đem lại nụ cười cho rất nhiều em bé mồ côi hoặc tiêu biểu như hình em bé sứt môi được chữa lành (xem hình đầu bài).
Tiền quỹ từ thiện mà các anh chị expats thu vào được tuy ít nhưng cũng đóng góp phần nào trong việc làm vơi đi những khó nhọc khổ đau của người dân bất hạnh ở đây. Trong những làng tôi được dịp ghé qua trong những cuối tuần đi làm việc từ thiện, có những nơi dân làng phải đi bộ hàng chục cây số để được gặp những bác sĩ mà chúng tôi đem đến (chương trình ASCOVIME mà chúng tôi tài trợ). Xin quý vị xem vài tấm ảnh trong bài này chụp trong chuyến đi làng Mebou cách Yaoundé 26 cây số. Dân làng xếp hàng để được khám bệnh và cho thuốc dài cả trăm thước. Thật khốn khổ cho người dân Phi Châu.
Nói đến những việc làm từ thiện tôi lại nhớ đến những hôm đi thăm bà Soeur Denise Pariseau ở nhà tù Kondengui. Nhà tù Kondengui được xây ở Yaoundé vào những năm 1980, nhà tù này lớn nhất xứ Cameroun, và ở đây tôi đã gặp những bà sơ đạo Chúa tận tình chăm sóc những tù nhân phải sống trong những điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn. Nhà tù này được xây cho 500 tù nhân mà số tù nhân hiện nay đã lên hơn 4000 người trong đó phụ nữ, đàn ông, và thanh thiếu niên chen chúc sống . Phần lớn họ là những tù nhân hình sự (trộm cướp, đâm chém đánh nhau…), phần còn lại có phòng riêng và nhiều tiện nghi vật chất hơn là những ông bộ trưởng, những ông giám đốc bị bắt về tội tham nhũng trong chuyến càn quét của nhà nước có tên là Opération Épervier. Chưa thấy xứ nào như xứ này, vào trong tù rồi mà vẫn còn phân chia giai cấp, tù giàu có mua được tiện nghi và tù nghèo bị bạc đãi. Tôi thật phục và quý mến các bà sơ người Gia Nã Đại này nhất là bà Denise Pariseau. Với vóc dáng bé nhỏ và mảnh khảnh, bà đi vào nhà tù Kondengui như đi chợ, ngày nào cũng có mặt và tù nhân ai cũng kính nể và quý mến bà. Tiền quỹ chúng tôi giúp làm lại các ống dẫn nước của nhà tù, sửa chữa trang bị nhà bếp đơn sơ của trại tù thiếu niên dưới 18 tuổi, và trang bị một thư viện di động bé phía tù nhân đàn bà.
Kể thế nào cho hết những quyến luyến mặc dù chỉ sau gần ba năm ngắn ngủi sống ở đây. Có một thứ quyến luyến nữa mà tôi vừa chực nhớ ra, đó là căn phòng terrasse rộng mát mà ngày nào tôi cũng ngồi đó học hoặc đọc sách nghe nhạc. Terrasse này giống như loại sân thượng ở Việt Nam mình và ở đây vì sợ muỗi độc, người ta đã bọc lưới chung quanh. Muỗi độc ở đây thì ghê lắm. Đã có vài người Gia Nã Đại chết ở xứ này vì bệnh sốt rét. Căn nhà xinh xắn của chúng tôi hoàn toàn được bọc lưới chu đáo và không một chú muỗi Phi Châu nào vào được.
Ngồi đọc sách, tôi có thể nhìn ra và thấy toàn diện vùng đồi núi của thành phố Bastos (nằm sát bên cạnh trung tâm thành phố) và ngày nào có nắng đẹp tôi nhìn thấy rõ ràng dinh thống nhất với lá cờ Cameroun bay phất phới trên nóc dinh. Đây là nơi làm việc và cư ngụ của tổng thống xứ Cameroun, Ngài Paul Biya, năm nay cũng sắp sửa bát tuần. Bà Chantal Biya, đệ nhất phu nhân, cũng ở tại đây mặc dù bà có một dinh thự riêng rất nguy nga nằm bên cạnh Tòa Đại Sứ Mỹ ở Yaoundé. Bà là vợ đời thứ hai của tổng thống (vợ đầu của ông mất vì bệnh), trẻ hơn ông nhiều, và khi ra trước công chúng bà luôn luôn được chú ý với búi tóc giả đỏ hoe và cao bồng bềnh.
Rồi còn cái nhớ nữa là tiếng chim và tiếng gà gáy sáng. Sáng nào cũng thế, cứ đúng sáu giờ sáng, lúc mặt trời ló dạng, là có tiếng gà gáy và tiếp theo là tiếng chim líu lo hót, tưng bừng rộn rã. Những buổi sáng như thế không có tiếng xe rầm trời và mùi xăng khét lẹt như ở Sài Gòn ngày nay. Những buổi sáng ở thành phố bé Phi Châu này thật êm ả. Chưa bao giờ tôi được gần gũi thiên nhiên như vậy kể từ khi xa Việt Nam. Xóm tôi ở Tân Định trước kia (vào những năm 60) cũng có nhiều cây và vườn tược. Cũng đầy hoa dông, hoa bưởi, hoa cam và bông giấy. Và cũng được nghe tiếng gà gáy và tiếng chim hót mỗi sáng. Cách đây hai năm tôi về lại xóm cũ, cây không còn, nhà làm bằng xi măng mọc san sát nhau. Hàng xóm không còn đi lại giao thiệp như trước nữa. Cây không còn mà vườn tược cũng hết sạch, nghĩ gì đến chim, đến gà…Những phát triển quá vội vàng và thiếu tổ chức đã làm Sài Gòn của tôi không còn như trước. Đây là một giá khá đắt người dân Sài Gòn phải trả trước sự bành trướng vật chất nhanh chóng và thiếu kế hoạch này. Và may mắn cho tôi, tôi đã tìm lại được những hình ảnh và âm thanh đã mất ở Phi Châu.
Những kỷ niệm đẹp đó sẽ được in sâu vào tâm khảm tôi. Ra đi nhưng lòng cũng có chút ngậm ngùi. Coi như một trang nữa của đời mình đã được lật qua…Người ta thường nói “yêu là chết trong lòng một ít”, riêng tôi tôi nghĩ chính là ra “đi mới chết trong lòng một ít”…Và tôi đã ra “đi” không biết bao nhiêu lần. Lần rời quê hương đi du học lúc vừa tròn mười tám tuổi, khi cánh cửa máy bay đóng sầm, nhìn mẹ tôi vẫy chia tay con mình với bóng bà thấp thoáng đứng cùng những người thân và bạn bè trong phi cảng Tân Sơn Nhất nóng hừng hực dưới mặt trời gay gắt trưa hôm đó, nước mắt tôi đã tự dưng ràn rụa và giọng nói tôi run run. Tôi đã có linh cảm đó là lần chia tay cuối cùng và tôi sẽ không còn được gặp lại mẹ tôi nữa…Lần ra đi thứ hai là lần tôi rời xa gia đình và đứa con đầu lòng để đi du học một mình bên xứ Tây, tôi đã không khóc dạo ấy nhưng cũng phải cắn răng lên đường…Nói đến đây tôi lại nhớ đến một bài hát mà tôi nghĩ các bạn đã từng được nghe qua giọng hát của Thanh Thúy hoặc Hoàng Oanh, bài Từ Giã Kinh Thành, mời các bạn cùng hát với tôi, điệu boston hay valse chậm :
Ra đi một sớm buồn
Sương mờ chập chùng buông
Mênh mang ôi lạnh lùng hồn xao xuyến!
Chia ly một bóng người
Âm thầm dìu chân tôi
Lưu luyến đưa vài tiếng lên đường
Thôi nhé, giã từ những con đường đất đỏ, giã từ những bông hoa, giã từ những người bạn thật dễ thương và xin cảm ơn bạn, xin cảm ơn hoa, xin cảm ơn…thành phố có em…Xin cảm ơn thành phố có em…Em còn đó vì tôi còn đây, tôi có đây vì em có đó (tôi bắt chước theo nguyên lý duyên khởi của đạo Bụt)…Hay là mười năm hai mươi năm nữa quay về chốn cũ, cố tìm lại bóng dáng người thân, như thi sĩ Nhất Hạnh đã viết trong bài Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng mà tôi rất thích :
…tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót
áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu
nắng sớm mùa thu
tôi ở đây chính thực vườn xưa
những cây ổi trái chín thơm
những lá bàng khô thắm
đẹp
rụng
còn chạy la cà trên sân gạch
tiếng hát vẳng bên sông
những gánh rơm thơm vàng óng ả
trăng lên, quây quần trước ngõ
vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua…
Hay là có chút ngậm ngùi như Tô Thùy Yên trong bài Ta Về :
…Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi…
Cái hoa kia có thể lẻ loi đơn chiếc, thi sĩ Tô Thùy Yên đi tù cải tạo về đã tìm được một phút giây hạnh phúc khi ông nhìn thấy hoa. Thực thế, có rất nhiều những mầu nhiệm chung quanh ta và nếu ta bận bịu quá với cuộc sống, ta sẽ không có may mắn tiếp xúc được với những mầu nhiệm đó. Một bông hoa, bầu trời xanh, đám mây trắng, ánh mắt dịu hiền của một người bạn, đó là những hạnh phúc lớn. Nhưng bên cạnh những mầu nhiệm đó cũng đầy dẫy những khó khăn nhọc nhằn vì con người phải kiếm sống. Trừ phi mình đẻ trên đống vàng. Cuộc sống hằng ngày cũng đầy dẫy những tranh đua và phiền não. Và một trong những phiền não lớn ở đây là khi chúng tôi phải lái xe trong thành phố. Mà nói đến lái xe thì không đâu lái xe ẩu và ngang ngược bằng Phi Châu, nhất là ở Cameroun. Khi tôi rời xứ này tôi sẽ nhớ mãi cách lái xe “không lề lối” nhất thế giới của người bản xứ. Xe to chèn xe bé. Xe tới trước chận đường xe tới sau. Và các tài xế xe taxi ở đây thì không còn chỗ để nói, họ lái ngang ngược vô tội vạ. Hình như họ nghĩ xe họ làm bằng giấy. Và khi lái họ chỉ nghĩ đến chính họ và không nghĩ được đến những xe chung quanh. Cách lái vô cùng ích kỷ này thường gây ra những vụ kẹt xe lớn ở Yaoundé. Nhiều khi tôi cũng muốn tự khuyên mình trước những hoàn cảnh khó khăn như thế và luôn tự nhủ mình bằng hai câu kệ học được trong một khóa tu thiền năm xưa:
Vạn vật tranh sống trên quả đất này
Nguyện cho tất cả có bát cơm đầy
Và tôi cố giữ tâm mình hiền hòa bao dung trước mọi khó khăn và hình như tôi chỉ thành công được có…vài giờ ngắn ngủi, cho đến khi tôi bị một chiếc taxi cúp ngang một cách táo bạo trên đường đi. Tâm cao bồi “Made in Xóm Đạo Tân Định Sài Gòn” của tôi lúc đó nổi lên cuồn cuộn. Tôi mất cả chánh niệm, kéo cửa kính xe xuống, vung tay trái kiểu người Pháp để ám chỉ “va te faire foudre” hay “f**ck you” và nói với hắn bằng một tràng tiếng québecois : “mon petit crissse de tabashlakkk…conduis toé comme du monde, crissse…” . Hắn không hiểu tiếng và giọng québecois, lại nhe một đống răng trắng nõn, cười toe toét và chọc lại tôi : nị hảo nị hảo !!! Hắn tưởng tôi là người Trung Quốc. Thế là mình cũng hết giận khi thấy nụ cười của hắn, nụ cười giống nụ cười tôi đã được xem khi còn bé ở Sài Gòn, trên những bích chương quảng cáo kem đánh răng Hynos với hình một ông người da đen cười thật tươi với hàm răng trắng phếu…
Đêm đã khuya. Tản mạn về chuyện xứ con khỉ thì viết thế nào cho hết. Tôi xin tạm ngừng kể chuyện xứ con khỉ Phi Châu và thân chúc các bạn một ngày vui.
Nguyễn Duy Vinh (Laval 1966-1976)
Cám ơn anh Vinh rất nhiều, sáng sớm thứ bảy vừa thức dậy đã được "gặp" lại anh Vinh Dài...Trong khoảng thời gian 5-10 phút ngắn ngũi mà được đi cùng anh thăm 2 người bạn đã ra đi, thăm lại sân cỏ và gymnase trường Laval, nhớ lại Sài-Gòn: Ta mất Người như Người đã mất tên. Anh Vinh đã giới thiệu em đến "tất cã" người Việt-Nam sinh sống ở Cameroun, các thiện nguyện viên ngoại quốc. Anh đã cho em đi một vòng xứ sở Phi Châu mà trong đời chắc em sẽ không có dịp đặt chân đến được. Đã cùng anh Vinh đi taxi Yaoundé thăm tổng thống sau đó lại vào tù ra khám...thiệt là hấp dẫn hơn National Geographic...
RépondreSupprimerCám ơn anh Vinh....Dài...Lúc nào cũng rạt rào tình cảm, lúc nào cũng đến thật bất ngờ và lúc nào cũng....dài (Như xưa)!!!
Anh Vinh mến,
RépondreSupprimerKhông hiểu tại sao mà không đọc được bài cửa anh Vinh. Chỉ thấy hình Yaoundé thôi. Cờn texte thì biến đâu mất.
Đến khi vào edit mới đọc được. Anh dùng font secret nào vậy ? :-)
Không biết những người khác có vấn đề như vậy không ?
Bài anh Vinh hay quá.
Nghĩa, Laval 71-75
Hello Nghĩa,
RépondreSupprimerTui dùng Unikey. Đánh tiếng Dziệt rất dễ. Kiểu gõ VNI mà bảng mã là Unicode.
Bonne chance,
Vinh
Nhờ anh Chí ra tay dổi font, nên bài đã hiện ra rõ ràng.
RépondreSupprimerCám ơn anh Vinh và anh Chí thật nhiều.
Nghĩa,