Những con dế mèn Laval đến từ nhiều nơi khác nhau trên miền đất viễn đông. Nhưng mà những ngày vui buồn ở khung trời đại học Laval đã làm cho những con dế mèn Laval gần nhau hơn, và chia xẽ với nhau những kỹ niệm thật đặc biệt mà, nếu còn ở lại quê nhà, chưa chắc đã có được. Một số dế mèn tôi cũng không ngoại lệ, lại thêm tính ham vui, nên nhiều khi cũng mơ mộng được sống lại những kỹ niệm của ngày xưa thân ái ấy thêm một lần, trước khi không còn đủ sức nữa...
Rồi nhớ lại, như ngày hôm qua, những hôm đầu bị "đày" đi đất lạnh, phải co ro cút rút trong một bộ áo làm ở nhà, thật dầy cộm, nhưng sức chống lạnh chả có bao nhiêu. Dế mèn còn nhớ lần dầu tiên trong đời "được" nhìn thấy núi tuyết cao đến ngập đầu trước khu campus, dế mèn đã muốn "trả lại em yêu", để tung cánh tìm về tổ ấm ngay lập tức. Nhưng rồi nghĩ lại, dế mèn cũng không muốn cái nam nhi chi chí của mình bị lụn bại quá nhanh, nên đành nghiến càng cho qua được mùa đông đầu.
May mắn thay, dế mèn đã mau tìm ra những đứa bạn cùng lứa tuổi, cùng hoàn cảnh để cùng nhau ri rĩ tâm sự trong những ngày nhớ nhà ở đất lạ. Những con dế "ba kỳ", hình như quên hết những khoảng cách "chia để trị" giả táo , để cùng nhau sống chung hòa bình!
Dầu sao, cũng phải nói là một vài con dế tới năm 1971 đó cũng có phần "kỳ hoa dị thảo". Nào là cái thằng dế lửa, to con lớn xác, nhưng tính tình thật là tài tử, suốt ngày chỉ ca hát, cười xuề xòa, vô tư lự. Lại đến thằng dế than, sống ở sous-sol, nhưng làm biếng dọn phòng đến nổi các nhân viên làm phòng đều biết tiếng và sợ hãi.
Rồi thằng ốc tiêu, tới từ vùng đất khô cần, tuy nhỏ con, nhưng tính tình nhiều thành hung hăng con bọ xít, thích đi chinh chiến, hể có chổ nào có động tĩnh, là chui vào để đọ sức! Cũng còn nhiều chú dế khác, đặc kỳ không kém, dế mèn tôi không thể, và không dám kể hết ra đây.
Rồi thằng ốc tiêu, tới từ vùng đất khô cần, tuy nhỏ con, nhưng tính tình nhiều thành hung hăng con bọ xít, thích đi chinh chiến, hể có chổ nào có động tĩnh, là chui vào để đọ sức! Cũng còn nhiều chú dế khác, đặc kỳ không kém, dế mèn tôi không thể, và không dám kể hết ra đây.
Những đêm nhớ nhà, ngồi chung với nhau, ốc tiêu là đứa tỏ ra mềm yếu nhất, chỉ tội cho dế lửa, mặc dầu muốn hát những bài ướt át của Trịnh Công Sơn, cũng đành phải nín khe, không dám thả hồn theo mộng nữa, vì sợ dế bạn của mình nổi cơn liều, bỏ hết mọi chuyện, để kiếm đường bay về quê...ngoại thì khốn. Những lúc như vậy, dế mèn, dế lữa, dế ốc tiêu, thường xuống dưới hầm đất để gặp các chú dế khác để chơi bóng bàn, hay thục bi da cho quên buồn. Lại một hôm, sau một vài chung rượu uống giải sầu, các chú dế dụng võ với nhau, kết quả là, sáng hôm sau, một vài chú phải đi thăm CHUL để được may vá một vài vết tích của cuộc so tài. Mấy con dế vì vậy mà trở thành thân thiết. Để dễ phân biệt nhau, mấy con dế đặt tên cho nhau một cách .... hơi quá thân mật, nào là dế đen, dế ghèn, dế ghiền, cho tới dế truồng, dế lỏi, dế cậu, dế mệ, (tự kiểm duyệt) v..v.. Rồi dần dần những cái tên đó đi theo mỗi con dế như hình với bóng...
Trong những năm sau cùng ở trường học, tình cảnh kinh tế xứ nhà càng ngày càng xuống dốc. Mấy con dế cũng bị ảnh hưởng vì tiền chuyển ngân từ quê nhà cũng lần lần thưa đi. Để kiếm sống, nhiều con dế, trong những mùa hè, phải phiêu lưu đi Baie James... đập đá, hoặc tới những trang trại ở vùng Ontario để hái thuốc lá, hay ở lại Québec làm plongeurs. Tiền vào thì ít, nhưng những lao lực thì nhiều. Điều mà các chú dế đều học được, là cái giá trị của đồng tiền từ khi rời tổ ấm gia đình. Rồi trong năm, quá eo hẹp về tài chánh, nhiều khi phải nhịn một bửa trong ngày, hay nấu xúp Lipton với macaronni cho qua đi cơn đói. Quà hay tiền bạc từ quê nhà gửi qua như "giọt mưa đầu hè", chẳng đưọc bao nhiêu, mà lại hiếm hoi. Vậy mà, dế mèn và những con dế khác cũng chia xẽ những gì có được với nhau. Dế mèn còn nhớ những bửa nấu mì gói bằng cái "hot pot", hay "sang" hơn, nấu cơm trắng xong rồi gọi restaurant "Hong Kong" để đặt một trong hai cái món yêu chuộng nhất của mấy chú dế xa nhà, đó là spare ribs salés và Egg Foo young. Đặt hàng quen đến nổi mà mỗi khi nghe tiếng "allo" của dế mèn đầu dây, là bên kia đã đoán ra ngay những món gì dế mèn muốn! Đôi khi mười họa, các chú dế nghèo mới rủ nhau xuống centre ville, ăn Canton, rồi đi xem ciné ... người lớn ! Khi nào hên lắm, là được tháp tùng các anh lớn đi thăm Montréal, trong những chiếc xe ọp ẹp. Cuộc du lịch một ngày rất hiếm hoi, nhưng đầy những náo nức, không thua gì được đi ...Tây.
Những ngày ở nội trú tương đối êm đềm, mặc dầu rất eo hẹp về tài chánh, dần dần qua đi Rồi những con dế cũng theo nhau ra trường. Ngày ra trường của phần lớn những con dế vào cuối tháng tư năm 75 được đánh dấu bằng những đêm lo âu, nhìn miến đất hình chữ S nhuộm đỏ lần lần từ trên xuống dưới trên màn ảnh TV. Thật là kinh hoàng như trong một cơn ác mộng triền miên. Dế mèn đứng run rẫy, hai cánh đập vào nhau mà không phát ra được một tiếng nhỏ. Hai chân của dế mèn như lún sâu trong đất bùn, rồi quỵ xuống dưới một bầu trời lo âu và buồn chán. Dế mèn khóc không ra nước mắt. Thành thật mà nói, có con dế nào không đem theo một hoài bảo, không lớn thì nhỏ, để khi xong nợ bút nghiên, thì sẽ về làm một cái gì đó cho quê dế năm xưa. Vậy mà, cái khung trời đó, một sớm một chiều, đã tan vào hư không . Con dế mèn cảm thấy như đứng trước một vực thẳm sâu không nơi bám víu, rồi vụt rơi xuống một vùng nước xoáy, luân chuyển không ngừng...
Dầu vậy, những ngày sắp tới với tương lai mù mịt không cho mấy chú dế được cái cơ hội để khóc ngắn than dài cho chính bản thân của mình. Thế là các chú dế phải khăn gói lên đường, với cái vốn của mấy năm dùi mài túi khôn của mình, còn đứa nào hên hơn nữa, thì được thêm tấm bằng cầm tay. Những ngày tới đó, là những cuộc chạy đua không ngừng, để kiếm ra một cái công ăn việc làm bằng mọi giá. Đó là sự sống còn của những con dế bơ vơ trên chợ đời. Những ngày bàng hoàng, lo âu cho ngày mai không tương lai cũng qua nhanh. Cái tuổi trẻ giúp cho sức chịu đựng của các chú dế trở thành như vô hạn. Cuối cùng, phần lớn các chú dế đều kiếm ăn được cả. Chỉ có đìều, ổ dế Laval năm xưa phải tản mát đi khắp mọi nơi trên vùng đất lạnh. Đứa thì trôi dạt đi qua vùng phía Tây, để đặt chân tới vùng đất hứa Calgary, Edmonton, hay bay xa hơn tí nửa để chạm vùng biển Thái Bình Dương thân yêu. Lại có những con dế phiêu lưu đến vùng phía Bắc, để đến một nơi mà mùa hè dài đăng đẵng được... mỗi ba tuần. Một số con dế khác, tốt số hơn, bay về phía Nam, theo gia đinh định cư, hoặc theo về... quê vợ. Phần lớn những con dế còn lại, ít mạo hiểm, bám víu vào mảnh đất hiền lành Mộng Lệ An, vì nơi đây được các chú dế coi là đất lành, chim đậu.
Rồi ngày qua, ngày qua, các chú dế theo định luật của thiên nhiên, tìm đến những cô dế điệu được gặp gỡ trên con đường gió bụi, kế đó là những dế bé con ra đời. Cuộc đời ngày càng bận rộn, cùng những cuộc chạy đua với đời sống hàng ngày, với những nhu cầu hàng ngày của gia đình ngày càng lớn rộng. Chuyện bạn bè cũng phải lơi dần để dành chổ cho những chuyện công ăn việc làm hàng ngày. Nào là chuyện đổi việc, thay nhà, hoán chổ. Cái thế hệ đầu tiên ở xứ người thật có nhiều chuyện phải tranh đấu liên tục cho sự sống còn của mình và của người thân mình. Ráng lắm, là các chú dế gặp nhau từng nhóm nhỏ, trong những ngày cuối năm, uống vài chén rượu, tán láo hai ba câu, rồi ai lại về nhà nấy, life goes on...
Một ngày đẹp trời, cái tánh ham vui ngày xưa bổng tự nhiên lại nổi dậy trong lòng của một vài chú dế mèn. Thế là, dù đôi cánh năm nay đã điểm sương, và hai sợi râu hùng dũng khi xưa đã gần xụp xuống, các chú dế mèn vẫn quyết định dấn thân đi tìm lại dư hương của cái ngày xưa thân ái đó. Để rồi, sau nhiều đêm suy nghĩ, và nhiều cuộc "trưng cầu dân ý" bằng email, các chú dế đã đưa đến quyết định là, để đánh dấu 40 năm dài từ ngày các con dế mèn, dế lửa, v.v. gặp nhau, một cuộc họp mặt sẽ được tổ chức vào một cuối tuần đầu tháng tám, tại vùng Laurentides hùng vĩ nhưng rất thơ mộng. Dĩ nhiên, các chú dế sẽ phải chịu nhiều tốn kém hơn là một bửa pique-nique ngoài trời, nhưng mà suy đi nghĩ lại, phần lớn các chú dế đều đồng ý rằng đời dế thật "có bao nhiêu lâu mà hững hờ". Vì vậy, các chú dế nổ lực tìm kiếm nơi phong thủy thận lợi cho một cuộc họp mặt 2011 cho một cuối tuần. Kết quả là Le Chantecler là nơi nhiều hứa hẹn nhất. Sau nhiều lần liên lạc, vài lần lội tuyết lên xem xét vùng St Adèle, thương lượng các điều khoản với ông đại diện của hôtel, giao kèo đã ký, vậy là cuộc họp mặt Laval 2011 vào tháng 8 đã ra đời.
Rồi những thơ mời gửi đi, nhưng, buồn thay, thơ ghi tên gia nhập họp mặt chỉ chầm chậm, rỉ rã, gởi về, với cấp số chưa đủ cho giao kèo với hôtel, sau những kỳ hạn và... gia hạn. Có lúc, các chú dế mèn ham vui đã nghĩ đến bỏ cuộc chơi, vì ngỡ rằng các dế bạn ngày nay không còn tha thiết với cuộc họp mặt với nhau nữa . Nhưng rồi tính ham vui, và lòng mong mõi gặp bạn bè cũ vẫn còn nhiều, nên các dế mèn vẫn tiếp tục húc đi những trở ngại bên đường, để tiếp tục cuộc hành trình...vô vi.
May thay, nhiều chú dế khác bắt đầu đến giúp một tay, để cùng nhau vun gió làm bão. Các chú dế mèn ham vui được yên tâm hơn và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Cái mộng được gặp gỡ lại các bạn cũ để ôn lại những kỹ niệm xưa, như chợt gần tầm tay hơn bao giờ cả.
Bây giờ thì mọi vìệc coi như là ngã ngủ, chỉ chờ ngày tay bắt mặt mừng, và hy vọng mọi người sẽ được hai ngày cuối tuần đẹp trời, để sống chung với nhau thật vui vẽ như những ngày xưa thân ái đó....
Hè 2011.
Nguyễn Trọng Nghĩa,
Thât giô'ng chuyên cua mình. Ca'm on Nghia da viê't dùm !!!
RépondreSupprimerTroi dô chu'ng ta, hai ngày nay troi dep qua'.
Cha'c cha'n se thành công.
Bân tang o Pôle Nord
15 hrs, Samedi, 6/8/2011