ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT

Xin các bạn có đọc Blog ráng chịu khó hợp tác bằng cách viết bài hoặc ghi cho ít chữ commentaires hoặc ít lời thăm hỏi để "Blogger" còn có hứng thú làm việc tiếp....

Nhưng mỗi hôm mỗi vắng...
Người xem Blog nay đâu?
Phím nhõ buồn không gỏ,
Rượu đọng trong ly sầu....

Rechercher dans ce blog

samedi 4 juin 2011

Từ Nguyễn Đình Chiểu đến Laval (Trình Trí Đình)

Từ Nguyễn Đình Chiểu đến Laval (Trình Trí Đình)

Nhận được "thơ điện" của anh Dương tâm Chí, dân "điên-nặng" Laval, báo tin sẽ mở một "mạng nhện" cho Hội Cựu Sinh Viên của trường đại học Laval và yêu cầu mọi người ủng hộ bài vở cũng như tài chánh để hoàn thành cái "lưới" nầy. Tôi liền trả lời ngay cho anh Chí rằng mình sẽ đáp ứng cả hai điều đó. Bây giờ ngồi nghĩ lại thấy mình sao quá vội vàng. Tài chánh thì không khó khăn lắm. Nếu có kẹt thì ráng nhịn mua một vài "trò chơi điện tử" hoặc tệ lắm thì nài nỉ xin Bà Xã thêm chút đỉnh "tại" để nộp tiền mãi lộ. Nhưng viết bài vở thì đúng là một vấn đề. Tôi có bao giờ "gõ ngón hạ bút" viết văn vẽ tự bao giờ đâu. Có chăng là những lần "hạ chiếu vấn an" Bà Xã khi tôi đi làm xa nhà. Bây giờ biết phải làm sao đây, nhất là sau khi nhận thêm thơ điện . . . "giật" của anh Chí hỏi thăm nhè nhẹ: "Sao Đình, còn . . . thở không? bài vở viết ủng hộ cho mạng nhện của phe ta lết được đến đâu rồi?". Suy đi nghỉ lại để rồi quyết định, tôi liền "hoả tốc" báo cho anh Chí biết về bài "Hồi Ký" của mình sẽ viết thì anh ấy trả lời "Bravo et vas-y toi".

Thời đó, vào khoảng năm học lớp đệ tam, các bạn tôi và tôi mới bắt đầu nói nhiều đến hai chữ "xuất ngoại" trong những lúc "cà phê dư, sinh tố hậu". Chúng tôi học nhiều nhưng phá và chơi cũng không ít. Hưởng ứng tinh thần làm việc tập thể, chúng tôi thường rủ nhau luyện tập thêm "cúp cua đồng diễn" hay "Nối tay nhảy rào" vào những giờ Việt văn hay Sữ Địa. Rồi, một bầy khoảng mười đến mười lăm đứa đèo nhau trên xe Honda lên Chợ Lớn, Sài Gòn, đi nhìn thành phố, sau đó đỗ xăng kéo nhau trở về, vào lớp học tiếp những giờ còn lại. Thức đêm "tụng bài", đến hôm sau gặp mặt để có dịp than phiền lẫn nhau: Ê bọn mầy, thức khuya uống Coca Cola để không ngủ gật, sáng ngày đi "tè" màu vàng "khè" như nước cam hiệu Phương Toàn. Có bạn tôn thờ chủ nghiã "Học nhiều quên nhiều, học ít quên ít, không học thì không quên gì cả" để sau nầy được tiến thân trong Quân Trường.

Ngày ấy, danh từ "du học" đối với tôi còn thật xa lạ, rất mơ hồ, mặc dầu tôi có đọc nhiều bài viết về những chuyến "đi xa" của các bậc "tiền bối" hay của những "huynh tỷ" đã đi trước. Tôi chỉ hình dung được hình ảnh một cậu học sinh, người luôn luôn mặc quần tây áo dài tay, chân mang giầy, tay sách cặp to, đựng đầy sách vở, mắt đeo cặp kính cận, ngày ngày đi đến ngôi trường đầy đủ dụng cụ máy móc và to lớn hơn những trường đại học tại Việt Nam rất nhiều. Còn biết bao điều tưởng tượng vẩn vơ nữa nhưng hiện tại tôi không nhớ ra hết. Đến năm 1970, bạn bè tôi, người tập "thi nhảy", kẻ luyện "thi chạy" và bọn chúng đã "thong dong" giã biệt quê nhà từ dạo đó. Số đông còn lại, "từ tốn" chia nhau lên đường vào những tháng cuối của năm 1971. Đây là năm mà chúng tôi bận rộn nhiều nhất từ khi hoa phượng bắt đầu nhuộm đỏ sân trường. Chúng tôi "sắp hàng một" thay nhau đãi đằng, ăn nhậu liên miên, để rồi chia tay cách biệt, mỗi người về một phương trời xa lạ. Nhóm ở lại quê nhà, người thì tiếp tục con đường văn nghiệp trên đại học, kẻ thì ra đời làm việc hay bước chân vào quân ngũ. Có nhiều bạn đã đền ơn Tổ Quốc trong những ngày trước và sau khi chúng tôi rời Việt Nam. Hồi ký nầy tôi chỉ ghi lại vài kỷ niệm trên bước đường "Tầm Sư" của tôi, từ sau lần giã biệt cuối cùng mái trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, cho đến khi đặt chân đến cổng trường đại học Laval.

Cuộc "phiêu lưu" của tôi được khởi đầu sau khi tôi đã chào Ba tôi và lắng nghe những điều người đã dặn bảo tôi. Ba tôi không đưa tôi đi phi trường vì hôm đó người không được khoẻ lắm. Buổi chiều hôm trước, Ba tôi đã làm xong cho tôi một sợi "thắt lưng" dài khoảng 1.5 thước, bằng dây ni-lon của quân đội Mỹ; dùng để "thắt" vào phần giữa bụng chiếc va-li to tướng của tôi đang được "nhồi" đầy một số đồ dùng chống lạnh tại Canada. Tôi nghĩ món đồ to lớn và nặng nề nhất phải là chiếc áo khoác "bành tô" mà Má tôi đã mua cho tôi tại Khu Dân Sinh, Sài Gòn, sau khi gia đình đã quyết định cho tôi đi "Tầm Sư Học Đạo". Bây giờ, để khoác trở lại chiếc áo đó, chắc tôi phải cố gắng luyện tập đứng "tấn" cho thật vững chắc hầu có thể chịu đựng nỗi sức nặng "trăm cân" của nó. Tôi đã cho một người dọn phòng của ký túc xá Moreau chiếc "bành tô bào" nầy vào mùa xuân năm 1973. Còn chiếc dây "thắt lưng" ni-lon đó, tôi vẫn giữ lại để làm kỷ niệm cho đến ngày hôm nay.

Tôi ghi vào lòng tất cả những hình ảnh của gia đình tôi; của những người thân yêu; của căn nhà mà tôi đã sống hơn 19 năm trường và của tất cả những bạn bè còn ở lại quê nhà. Chiếc xe hơi của chú Út chở gia đình chúng tôi bắt đầu chuyển bánh đi về hướng bắc một đoạn đường (Ba tôi tin rằng nếu đi xa mà khởi hành về hướng bắc thì sẽ được bình an!). Chú Út lái xe đi một vòng tỉnh Mỹ Tho cho tôi được nhìn thêm một lần nữa quê nhà. Sau đó xe chạy theo đại lộ Hùng Vương, một trong những con đường chánh của tỉnh lỵ. Đây là dinh Tỉnh Trưởng, chung quanh được bao bọc bằng những tàng cây Phượng Vĩ đã có từ thời Pháp thuộc. Kia là Tổng Hành Dinh của Sư Đoàn 7 Bộ Binh với lối xây cất còn sót từ đời Pháp. Xa chút nữa là Bảo Sanh Viện, nơi mà tôi đã mở mắt chào đời. Bên cạnh sân Vận Động của tỉnh lỵ là trường Nam Tiểu Học, nơi mà tôi đã mài đũng quần lúc còn bé. Xe tiếp tục chạy dọc theo hai hàng me trồng bên vệ đường để đến trước cỗng trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó là trường nữ trung học Lê Ngọc Hân, nơi mà bạn bè chúng tôi thường "lượn xe" hàng giờ sau những buổi tan học về. Những hình ảnh xa xưa đó bây giờ chắc đã thay đổi nhiều với thời gian rồi. Cuối cùng chiếc xe rời tỉnh lỵ, theo quốc lộ số 4 để đi Sài Gòn. Lúc đó tôi đã khóc thật nhiều vì biết rằng mình đang mất đi tất cả những kỷ niệm thời thơ ấu và không biết đến bao giờ mới trở lại nơi chôn nhao cắt rún nầy. Những tỉnh hay quận mà xe của chú tôi chạy ngang qua đều quen thuộc với tôi, như là Trung Lương, Tân Hiệp, Tân An, Bến Lức, v.v.

Đến Sài Gòn, chúng tôi ngủ lại nhà của chị tôi ở đường Ngô Quyền, trong Chợ Lớn một đêm. Má tôi và chị Hai tôi sắp xếp lại chiếc va-li to lớn của tôi. Một số đồ dùng được để bớt lại. Hành trang còn lại là gia tài trong tương lai của tôi sau nầy. Theo chương trình đã dự định từ trước thì ba đứa chúng tôi, Nguyễn Trí Hiếu, Lâm Chí Công và tôi sẽ đi cùng một chuyến phi cơ. Nhưng vào giờ cuối, Hiếu và Công đã mua vé phi cơ trước mà không kịp thông báo cho tôi, vì thế tôi phải đi lẻ loi một mình cho đến Paris để rồi tất cả sẽ gặp lại nhau. Đêm đó, chị Hai và anh rể tôi dặn dò chỉ bảo tôi thêm nhiều điều cần thiết. Tôi ghi đầy đủ chi tiết vào quyển sổ tay những gì tôi sẽ phải làm trên bước đường đi "Tầm Sư".

Ngày hôm sau, 17 tháng 12, chúng tôi thẳng đường đi đến phi trường Tân Sơn Nhất. Ngoại trừ việc phải ghi lấy vé phi cơ, còn những giờ phút dư thừa thì tôi thường hay đứng thẫn thờ yên lặng và suy tưởng bâng quơ. Tôi hoàn toàn không nhớ được mình đã nghĩ những gì, cho những bước đi sắp tới hay cho những dấu chân kỷ niệm của mình đang mất dần. Số người đưa tiễn không còn nhiều, trừ gia đình và thân bằng quyến thuôc của tôi thì còn đôi ba người bạn thân không xuất ngoại. Chúng tôi chụp thật nhiều hình để làm kỷ niệm. Giấy tờ đã làm xong và đến lúc phải chia ly. Tay cầm vé, tay xách cặp, vai đeo túi, tôi chào mọi người để ra đi. Tôi nhớ mình có thoáng nghe âm vang của những lời nói lẫn lộn không thứ tự, tiếng được tiếng không, chữ mất chữ còn: ...Nhớ nhen... Cẫn thận nhen... Nhớ viết thư nhen... Đừng quên nhen...v.v. Bước chân lên phi cơ mà lòng tôi nặng trĩu u sầu. Trước khi đi vào lòng phi cơ, tôi quay lại nhìn và vẫy tay chào mọi người một lần cuối. Tôi cố tìm gia đình mình xuyên qua khung cữa sổ bé nhỏ của phi cơ, nhưng tôi không thể phân biệt được những người thân của mình với số đông người đưa tiễn khác.

Chiếc phi cơ của hãng hàng không Thái Lan từ từ ra phi đạo và nặng nề cất cánh rời phi trường Tân sơn Nhất. Trên phi cơ, niềm xúc cảm lại dâng lên và tôi bật khóc khi nhìn thấy hình ảnh phi trường nhỏ dần, cho đến khi trở thành một cái chấm đen để rồi mất dạng. Phi cơ càng lúc càng lên cao, bây giờ tôi chỉ còn nhìn thấy được phía dưới là những đám mây khổng lồ và trắng xoá như bông, đang lơ lửng nhẹ nhàng che lấp cả một vùng to lớn của thành phố Sài Gòn. Người nữ chiêu đãi viên đưa thức ăn cho tôi nhưng tôi nào có muốn ăn, tôi chỉ biết khóc thôi. Không hiểu dạo ấy, làm sao mà tôi "giàu" nước mắt đến thế. Đọc truyện dịch của Tàu thấy ghi rằng: Trình Giảo Kim rơi lệ nói với Đơn Hùng Tín...; Trình Giảo Kim nức nở tâu cùng Lý thế Dân... Chẳng biết tôi có cùng gia phả với ông Ba Búa nầy không nhưng chắc chắn là tôi không có họ hàng gì cả với ông Lưu Huyền Đức nước Thục! Một bà hành khách trọng tuổi ngồi cạnh tôi hỏi thăm và khuyên nhủ: "Thôi cậu đừng khóc nữa, ráng ăn một chút đi, một ngày nào đó khi cậu học xong rồi sẽ quay về với gia đình !". Lúc đó, tôi cũng mong mình sẽ được như lời nói ấy.

Phi cơ đáp xuống phi trường Thái Lan, nơi đó tôi sẽ đổi chuyến bay của hãng Japan Airline. Phi trường kế tiếp mà phi cơ sẽ đến là Tel Aviv. Đã một lần, vừa mới rời tỉnh nhỏ Mỹ Tho và hôm nay, thêm một lần nữa, tôi xa lìa hẳn quê hương Việt Nam mến yêu.

Chắc cũng có nhiều người ra đi một mình như thế, nhưng không hiểu họ có được cái hân hạnh đi "vòng vo Tam Quốc" như tôi hay chăng. Đến phi trường Tel Aviv, phi cơ đáp xuống để thay đổi hành khách. Những người còn đi tiếp thì không được rời khỏi phi cơ. Lính công an, súng đạn "chất" đầy người, lên phi cơ để kiểm soát. Họ đi từng hàng ghế, nhìn mặt từng người, thấy rợn cả người. Phi cơ rời Tel Aviv để đến nước Đức sau đó lại đổi đường đi nước Ý. Trên phi cơ chỉ còn lại khoảng 15 người, trong đó có 7 người Pháp và tôi. Đến nước Ý, chúng tôi có thể rời phi cơ và đi dạo quanh quẩn trong phi trường. Kế tiếp phi cơ lại khởi hành đi Pháp. Lúc đó chúng tôi mới được biết là phi trường Orly, bây giờ là Charles de De Gaulle, đã đóng cửa vì vùng Paris bị sương mù bao phủ và phi cơ sẽ không đáp xuống được. Phi hành đoàn đang bàn tính tìm giải pháp thoả đáng cho hành khách. Cuối cùng họ quyết định phi cơ sẽ bay đến Luân Đôn. Từ phi trường Luân Đôn, chúng tôi sẽ ngồi xe đò đến bến thuyền đậu, rồi dùng "ghe" bơm phồng có gắn máy . . . quạt gió để "lướt" vào Pas-de-Calais của nước Pháp, và sau cùng sẽ đến Paris cũng bằng xe đò. Giải pháp thật là ổn thoả, nhưng lúc đó không ai nghĩ đến vấn đề là tôi không có giấy chiếu khán để đặt chân lên đất Pháp với phương tiện nầy.

Như đã định từ trước, chúng tôi "đổ bộ" lên bến Pas-de-Calais. Một trong những người đồng hành đã phụ "cỗng" dùm chiếc va-li của tôi. Tám người đi vào văn phòng sở ngoại kiều của Pháp để trình giấy tờ và chỉ có bảy ngưòi được bước ra. Tôi bị bắt giữ lại để thẩm vấn và hành lý bị kiểm soát kỹ càng vì đã nhập đất Pháp theo lối đi bất hợp lệ nầy. Tôi cố gắng giảng nghĩa đến khô cả cổ để cho họ hiểu. Cuối cùng mọi chuyện được êm xuôi sau khi họ đã điện thoại về phi trường Orly để lấy thêm tin tức. "Très bien Monsieur. Tout ça va. . . . .blah blah blah . . . ", thế là tôi nhanh nhẹn quảy túi lên vai, ôm cặp và khệ nệ lôi va-li "dzọt" lẹ ra cửa. Nhưng bỗng nhiên họ gọi lại và đòi tôi phải trả gần 5 quan Pháp cho lệ phí điện thoại. Tôi nói rằng tôi có điện thoại bao giờ đâu. Họ bảo cú điện thoại đó là họ gọi dùm tôi đấy! và rất tiếc, họ không có khoảng "xẹt-vít" nầy! Tôi cố gắng cãi liều cho món tiền "vô duyên" đó, nhưng khi quay lại nhìn ra cửa thì thấy bảy người Pháp đồng hành đang mỏi mệt ngồi đợi tôi hơn một giờ đồng hồ để cùng đi chuyến xe đò trở lại Paris. Nhin thấy cảnh đó tôi đành móc tiền, đã được dấu kỹ trong túi của chiếc áo lót mặc trong người, ra trả cho họ.

Trên chuyến xe đò hướng về Paris, một người Pháp đến ngồi cạnh tôi, chuyện trò và thăm hỏi tôi. Ông ấy chỉ cho tôi xem những nghĩa trang khổng lồ và giảng cho tôi biết về những mộ bia của những chiến sĩ đã chết trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Ông ấy cũng hứa là sẽ giúp đỡ tôi tại phi trường Orly. Đến Paris, ông nói rất tiếc vì có gia đình đến rước nên không thể đi cùng với tôi được, nhưng ông đã nhờ một người bạn khác đến giúp tôi. Tôi theo người bạn mới nầy đến phi trường. Thành thật mà nói nếu không có họ giúp đở chắc tôi phải vất vả khủng khiếp để vật lộn với đống hành lý khổng lồ của mình. Vào bên trong phi trường xong thì đã hơn 12 giờ khuya rồi. Tất cả quầy bán vé phi cơ đã đóng cửa từ lâu. Sau vài giây suy nghĩ, ông ấy dúi vào tay tôi 50 quan Pháp và khuyên tôi đi tìm khách sạn mà ngũ qua đêm. Cố gắng từ chối nhiều lần nhưng không được, tôi đành giữ lấy số tiền và chúng tôi chia tay nhau. Thật đáng tiếc tôi không còn nhớ tên của hai người hảo tâm đó cũng như hỏi địa chĩ của họ để có thể tạ ơn sau nầy. Dân Pháp thường hay nói rất nhiều, nhưng ngược lại họ cũng có những cử chỉ và hành động thật đáng quí mến.

Tối hôm đó, tôi chất hành lý trên chiếc xe đẩy, đi lang thang và ngủ bờ ngủ bụi ở tầng lầu một trong phi trường. Đến sáng ngày hôm sau, tôi gặp Hiếu, Công, nhà tôi (lúc đó tôi chỉ quen biết mặt thôi) và một số người khác nữa cũng đang sắp hàng lấy vé phi cơ đi Montréal. Thế ra đêm hôm qua, bọn họ, sang trọng hơn tôi, được ngủ "ngồi" trong "sa-lon" trên tầng lầu hai của phi trường. Đổi vé xong, lên phi cơ và tìm được chỗ ngồi, tôi quay lưng lại trò chuyện với Hiếu và Công vài lời, sau đó mệt quá ngũ thiếp đi. Tôi giật mình tỉnh giấc khi người nữ chiêu đãi viên thông báo rằng phi cơ đã vào địa phận của Canada. Như vậy chắc tôi đã thiếu mất món ăn "Coq au vin" truyền thống của Air France rồi.

Phi cơ đáp xuống phi trường Dorval của Montréal. Tôi sắp hàng nối đuôi theo mọi người vào văn phòng sở ngoại kiều của Canada để làm thủ-tục. Lúc trở ra, tôi không thấy Công và Hiếu đâu cả. Tôi tự nghĩ chắc bọn nó đã xong và đi ra ngoài rồi! Thế là, tay xách cặp, vai đeo túi, tôi lững thững đi ra ngoài! (Tôi không nhớ rõ là mình đã có nghĩ đến hành lý của mình hay không!). Dọc theo lối đi, tôi thấy có rất nhiều người của đủ loại sắc tộc, miệng gọi nhau ơi ới, một tay vẫy, chỉ chọt tứ tung, còn một tay cầm bảng ghi tên người, đưa qua đưa lại. Quái lạ! xứ gì mà lộn xộn và ồn ào thế nầy. Trông thấy một người tay cầm bảng ghi tên bằng chữ Việt, tôi đến gần và hỏi thăm xem đây là nơi nào. Anh ấy đáp: Đây là Montréal. Tôi than thầm: Eo ơi! mình lộn rồi. Tôi vội vã quay lại tìm quầy của hãng QuebecAir để đổi vé đi Québec. Thế là trễ chuyến phi cơ, tôi lo nghỉ không hiểu ai sẽ đón mình tại phi trường tại Québec đây. Thôi, ngồi đợi để đi chuyến phi cơ kế tiếp vậy và cuối cùng tôi cũng "bò" được đến Québec.

Từ phi trường, tôi điện thoại nhiều lần cho anh Võ Ngọc Bá nhưng không ai trã lời. Tôi nghĩ có lẽ anh Bá còn đang trên đường đi về nhà với Hiếu, Công và vài người khác nữa. Thấy tôi gọi điện thoại mãi nhưng không có kết quả, một nhân viên đến ngỏ ý muốn giúp tôi. Nhìn số điện thoại 683-4286 ghi trong quyển sổ tay của tôi, ông ta chỉ vào một chiếc va-li và hỏi tôi có biết tên người ghi trên đó hay chăng. Nhận được tên, tôi nói ngay: Biết! Biết! đó là Nguyễn Trí Hiếu, bạn tôi... và tôi cũng sẽ đến theo địa chĩ nầy. Thế là họ gọi taxi để đưa hành lý của Hiếu đến nhà anh Bá và nhờ thế tôi được đi "ké". Lẽ dĩ nhiên tôi không bao giờ quên được câu hỏi mà tôi đã thuộc nằm lòng: "Tôi có phải trả tiền cho . . . nầy không?". Nhân viên phi trường trả lời rằng không. Đây là hành lý không được đi cùng với chuyến phi cơ của hành khách thì họ phải đem đến tận nhà.

Tôi lên xe taxi đi đến nhà anh Bá cùng với đống hành lý. Lúc đó tôi chẳng biết đường đi hay phương hướng gì cả. Tấm thân "còm nhom" của mình cứ để cho nó được nhẹ nhàng "Cuốn theo chiều gió" vậy. Tôi nhìn quanh thấy chỉ toàn là nhà cửa và . . . tuyết. Đâu đâu cũng là tuyết. Tuyết rơi trên mặt đường. Tuyết đọng trên ngọn cây và tuyết bao phủ trắng xoá mái nhà. Ngày xưa, mình có bao giờ được "sờ" tuyết "lạnh" đâu, ngoại trừ mua năm mươi xu "nước đá bào, xịt xi-rô" rồi cầm trên tay mà . . . "mút" . Taxi ra khỏi phi trường khoảng chừng năm phút thì tài xế dùng máy ra-dô để gọi. Tôi thoáng nghe được trong đó có câu: "A-lô .. . . tao đang chở một đứa người Á Châu . . .". Lúc còn ở "quê" thì mình được biết chỉ có lính Quân Cảnh, Cảnh Sát hay giới thẩm-quyền mới dùng được ra-dô như thế. Tôi bắt đầu lo lắng trong lòng. Nhìn chung quanh thấy đường phố vắng lặng và đôi khi còn là những khoảng đồng trống không đèn đuốc gì cả. Tỉnh Québec phải sáng sủa hơn tỉnh Mỹ Tho của mình chứ có đâu tối tăm heo hút như thế nầy. Hay là tài xế lạc đường? Vô lý. Hay là . . . thôi rồi chắc mình rơi vào tay tụi bắt cóc người để giựt tiền cướp của đây. Thế rồi nỗi lo sợ của tôi đã từ từ chuyển thành hành động tự vệ cố hữu. Lúc đó tôi tự nhũ, ở Việt Nam, đã bao nhiêu lần mình xem "xê-ri" Mission Impossible hay Wild Wild West chiếu trên đài truyền hình Mỹ thì bây giờ mình có thể ứng dụng tại đây. Đang ngồi ở băng ghế phía sau và gần cửa, tôi liền nhẹ nhàng (như một con mèo . . . con) di chuyển vào khoảng giữa, sau lưng tài xế (nhỏ như một chú chuột . . . khổng lồ) và nhủ thầm: "Nếu mầy rục rịch làm càn là tao siết cổ mầy trưóc. Tụi bây đâu dễ gì cướp được tiền của tao. Những nhân vật trong Mission Impossible làm nổi thì tao cũng làm được vậy !". Ý nghĩ còn đang quây cuồng trong đầu thì xa xa trước mặt, tôi nhìn thấy một con đường thật to lớn trải dài dưới hai hàng đèn vàng chói lọi và niềm lo sợ của tôi vụt biến mất khi thoáng nhìn thấy một tấm bảng nho nhỏ dựng đứng bên vệ đường với hàng chữ ghi là "Ste Foy". A! mình không có sao cả, vậy mà mình cứ tưởng là . . . Hú hồn! Sao mà mình "quê" quá vậy?

"Chapdelaine ...", đúng là tên đường của nhà anh Bá rồi, tôi mãn nguyện reo thầm. "2195, Eh! j'ai vu. Ici. Stop", tôi mừng khi nhìn thấy và gọi tài xế dừng xe lại trước cửa nhà. Sau khi kiểm soát kỹ lưỡng số cư xá, đống hành lý được khuân chuyển vào bên trong. Mở quyển sổ tay, tôi đọc tiếp những điều chỉ dẫn phải làm. 401, 402, . . . A! đây rồi, số 405 với bảng ghi tên "Ngọc Bá, Võ". Quái lạ! Sao tên tuổi ở đây ghi "lộn tùng phèo" hết vậy, mặc kệ, lo chi những điều không đâu, mình mệt rồi. Tôi bấm chuông nhiều lần nhưng không ai trã lời. Sau đó tôi cởi bỏ áo veste ra, mệt mỏi ngồi xuống, tựa đầu lên chiếc va-li và ngủ thiếp đi. Đến gần một giờ sáng, tôi giựt mình thức giấc vì có người mở cửa đi vào. Tôi liền nối gót bước theo vào bên trong sau lần cửa thứ nhì. "Thong thả" đi lên mỗi tầng lầu bằng cầu thang . . . bộ, tôi tìm đúng đến cư xá của anh Bá và gõ cửa. Sau lời giới thiệu (anh chưa từng biết mặt tôi) và trao đổi với nhau vài câu, tôi mới biết anh ấy cũng đi đón Hiếu, Công và vài người khác nữa. Về đến nhà, anh dùng lối đi của "bãi đậu xe" vì thế mà tôi không gặp được anh và những người kia. Sau đó anh Bá chở tôi cùng hành lý vào ký túc xá Parent vì hiện tại nhà của anh cũng đã hết chổ.

Đến Parent, chúng tôi gặp anh Võ Bách và được anh Bách nhường chỗ ngủ qua đêm. Hì hục đem hành lý lên phòng anh Bách thì tôi gặp anh Bùi Văn Tâm và được biết anh Tâm cũng là đệ tử của "Cụ Đồ" Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, anh Bách đưa tôi đi một vòng của tầng dưới "mặt đất". Anh giới thiệu tôi với một số "Mít" đang còn đánh bóng bàn hay "choọc" bi-da. Anh Bách chỉ cho tôi xem nhũng "máy bán thức ăn của thế kỷ 20" và không cần người đứng trông giữ. "Quê" tôi làm gì có "tiệm" loại bỏ túi như thế nầy, "cao siêu" và "tối tân" thật. Mình chỉ cần "đưa" tiền vào, bấm nút chọn món hàng muốn mua là "tiệm không người trông" sẽ . . .bán ngay. Ô hay! mà nó còn biết . . . thối tiền lại nữa chứ, tài thật. Máy có nhìn thấy, chuyện trò hay đi đứng được không? Lúc đó tôi chẳng hiểu được! Nhưng sau nầy tôi có dịp trông thấy một "tiệm" bán thuốc lá, cũng "nho nhỏ, tối tân và không người trông giữ" như thế, không biết đi đứng gì cả, nhưng trái lại biết "nằm chổng ngược" để người ta "thanh thản" mà . . . "chôm" hàng từ bên trong bụng của "tiệm".

Đêm đó là đêm ngủ đầu tiên của tôi trong "túi ngủ" tại trường đại học Laval. Lòng tôi cảm thấy bớt buồn khi được trò chuyện cùng anh Tâm. Sáng hôm sau, anh Chí đưa tôi đi đặt lấy phòng trọ. Tôi ngụ tại phòng số 1395 của ký túc xá Moraud. Vài ngày sau, Mohan Assandas đến tận phòng tôi để chuyện trò. Mohand tặng tôi một đôi đũa tre và nói: Đình, chú mầy dùng đũa ăn cơm để mà nhớ nhà. Vào những ngày kế tiếp, anh Võ Ngọc Đỉnh dẫn bộ ba Mỹ Tho chúng tôi, Hiếu - Công và tôi, đi làm giấy tờ từ nhà băng cho đến thủ tục nhập học.

Từ Nguyễn Đình Chiểu đến Laval, tôi thấy mình không lẻ loi nhiều khi được biết nơi đây cũng còn có vài người quen thân cùng "xứ sở". Anh Võ Ngọc Bá, một tâm hồn nghệ sĩ. Anh Võ Ngọc Đỉnh với "Ngón tay Vàng lướt trên đàn ghi-ta". "Ông Lái Đò", anh Bùi Văn Tâm, một nghệ sĩ lão . . . luyện và cũng đã từng có (làm) "Bầu", mà bụng vẫn "thon", cho hội bóng chuyền của Mít Laval. "Tiếng Xưa", chị Bùi Hoàng Ánh, với một "giọng ca" đầy "dĩ vãng". "Vô-địch Xì-Pọt Tả-Píng-Lù", Lâm Chí Công, với món chè "Xì-Pa-Gết-Ti" bí truyền, được "kho" theo phương thức "nấu thuốc bắc của Tàu". "Cầm Đàn Tu Sữa, Danh Trấn Giang Hồ", Nguyễn Trí Hiếu, trong những ngày đầu tiên tại Québec, đã tự rửa ruột mình, "Càn Quét Thảo Khấu", bằng một lít sữa tươi lạnh và nguyên chất, rồi hoàn toàn làm chủ tình hình, sau trọn một ngày cầm cự "nhăn mặt".

Thưở trước, tôi có nghĩ rằng kỷ niệm thời sinh viên không được êm đềm thơ mộng như của thời trung học xa xưa. Ý nghĩ nầy ngày nay tôi xin được sửa đổi đi một chút vì nhận thấy mỗi thời một khác. Đoạn đường sinh viên cũng có những cái xinh đẹp riêng của chính nó. Kỷ niệm của những buổi chiều tan học, trở về phòng trọ để tìm đọc những cánh thư của gia đình và của tất cả bạn bè từ bốn phương gửi đến; của những buổi họp mặt ấm áp nhân dịp Xuân về, trong khi bên ngoài bão tuyết ngập trời; của những lần ăn phở bò "La Liệt", được nấu trong phòng trọ theo kiểu "Mê-Tốt Cốt-Tê" với chủ đề "hai chén nước ra, ba chén nước vào"; của những đêm được ngồi nghe kể câu chuyện các "Anh Hùng Hào Kiệt" trong bộ "Hải Ký Mì Gói Trường Kỳ truyện"; hoặc của những lần "tay cầm bát, tay vác nồi", hộ tống "Quán cơm Xã Hội lưu động" theo chiến dịch "cầu chì chảy, quảy gánh liền"; vân vân và vân vân. Tôi ước mong, trong một ngày gần đây, sẽ có một bạn nào đó hứng khởi viết về những cuộc sống của "phe ta" thưở trước.

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua như muôn thưở, nhưng có biết bao sự việc đã đổi dời. Bạn bè thân quen biết nhau từ Việt Nam đã bặt tin gần hết. Hiện tại, số người vẫn còn liên lạc được với nhau, đếm lại không qua mười đầu ngón tay. Với một niềm hy vọng lớn lao, tôi mong "mạng nhện" nầy được bền vững lâu dài và "trên đó" sẽ là nơi để thông tin, hội họp hầu giữ mãi mối dây liên lạc của "băng" Laval chúng mình.

Từ ngày học được nghệ thuật Diện-Bích Ẩm-Thủy tại quán nước "Ông Cả Khòm", tính đến nay đã qua 28 mùa Xuân rồi, tôi nhận thấy mình có "văn minh tiến bộ !" thêm một chút đỉnh, nhưng dư âm của cuộc "Viễn Du" ngày xưa vẫn còn lưu luyến mãi trong lòng tôi và tưởng chừng như vừa mới xãy ra tự hôm qua. Nếu tôi có được một chút gì của cái gọi là "tuổi học trò đầy cải lương thơ mộng" để được viết thành những "Lưu Bút Ngày Xanh", "Kỷ Niệm Chúng Mình" v.v. thì đoạn hồi ký "Tầm Sư Học Đạo" trên đây sẽ là những trang mở đầu cho quyển "Kỷ Niệm tuổi Sồn Sồn" của mình tại trường đại học Laval nầy.

Với số vốn văn chương "miệt vườn" ít ỏi của mình, tôi định "mượn nhẹ" một vài câu thơ nho nhỏ nào đó để làm kết-cục cho đoạn hồi ký nầy. Nhưng tánh của mình thì lại không muốn nợ một ai. Mượn mà không trả được thì cứ ái ngại mãi trong lòng. Thôi, có gì thì kể đó, nghĩ sao thì gõ vậy. Tôi xin cám ơn anh Dương Tâm Chí cùng các anh chị phe ta đã "treo" đoạn hồi ký nầy lên mạng nhện của Hội Cựu Sinh Viên của trường đại học Laval. Cám ơn anh Võ Ngọc Bá và anh Võ Ngọc Đỉnh cũng như tất cả những bạn bè đã từng giúp đở tôi từ khi tôi mới đặt chân đến Québec. Sau cùng, tôi cũng cám ơn nhà tôi, Liên Hoa, người đã cùng tôi chia xẻ những nỗi vui buồn trên bước đường đời, đã sửa chữa bài hồi ký nầy và thường hay hối thúc tôi: "Anh viết bài xong chưa để còn gửi đăng trên mạng nhện nữa chứ. Em mong được đọc bài viết theo lối văn chương miệt vườn của anh".

Và kỷ niệm . . . vẫn còn nhiều lắm . . .


Trình Trí Đình
Ottawa ngày . . . tháng 6 năm 1999

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire