Câu chuyện thời “tiền sử”
Nhắc tới hai chữ “tiền sử” chắc các anh chị có cảm tưởng là thời đồ đá đồ đồng của con người sống trên trái đất, trên mặt trăng, trên hỏa tinh... Không xa xôi dữ vậy đâu, thời tiền sử, so với “Họp Mặt 40 năm nhìn lại”, là khoảng thời gian bắt đầu từ năm 1970 trở ngược về cho tới thời kỳ lập quốc của Ông Ngô Quyền, khi đất nước Việt Nam vừa thoát khỏi ách đô hộ 10 thế kỷ của anh chị “bự” láng giềng từ phương Bắc.
Câu chuyện tôi sắp kể liên quan tới những hoạt động phôi thai của các bộ môn thể thao nơi miền Đất-Lạnh trong thập niên 60. Bộ môn thịnh hành và rẻ tiền nhứt thời đó là bóng bàn, mỗi người chỉ cần trang bị một cây vợt thiệt là chiến, một mặt dùng để đỡ banh và mặt kia dùng để tấn công. Trong những đêm dài mùa thu, mùa đông của miền Đất-Lạnh, trong những đêm không ngủ hay khó ngủ (có thể vì thao thức nhớ những Đôi Mắt Người Laval), rất đông các anh thuộc khoá 62: anh Phạm Cơ, Đỗ Đăng Giao, Vĩnh Anh, Huỳnh Hữu Tuệ, Trần Văn Mười, Phan Thượng Viên, Nguyễn Kỳ Toàn, Lê Hữu Kim... và khoá của chúng tôi 63: các anh Lê Khắc Huy, Trần Bửu Long, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Cao Liêu, Vũ Kiện, Trần Khánh Thoại, Nguyễn Dương, cùng với các anh thuộc khóa 64: anh Lê Đình Nam, Lâm Quốc Nghị, Trần Bình Minh... , phe ta đã chiếm hầu hết tất cả các bàn ping pong của Moraud, Lemieux (lúc này Parent chưa xây cất xong), và chúng tôi đánh hoài đánh mãi cho tới khi trời gần sáng!! Dĩ nhiên là sẽ có một số vị sẽ “cúp cua”, đợi đến tối hôm sau lại tiếp tục tấn công theo kiểu Lê Văn Tiết, và chống đỡ thật “nhuyễn” theo đúng tầm cỡ với Mai Văn Hòa (những tay vợt vô địch của thời Cộng Hòa).
Bộ môn kế tiếp cũng rất thịnh hành là đá banh, bộ môn này tương đối rất xa lạ với các sinh viên người bản xứ, tại vì họ chỉ quen biết với trái banh hình bầu dục của CFL hay NFL mà thôi, ít có dịp họ nhìn thấy trái banh tròn vo của bộ môn bóng tròn. Đội banh Québec thời đó gồm có các anh: Nguyễn Kỳ Toàn (capitaine, đá rất bạo, và là một tuyển thủ của đội banh interuniversitaire của Đại-Học Laval), Đinh Công Khanh, Lê Khắc Huy, Mai Xuân Lương, Trần Văn Rê..., vài năm sau được tăng cường mạnh mẽ với các anh: Huỳnh Hớn Kiệt, Trần Văn An, Chung Duy Ân, Nguyễn Hồng cương, Nguyễn Ngọc Sơn, Ngô Anh Dũng... Đội banh của chúng ta thường thao dượt trên sân cỏ phía sau lưng Lemieux, hoặc bên cạnh Grand Séminaire.
Tiếp đến là bộ môn “Beach Volley Ball” mà chúng ta có dịp giới thiệu cho thế giới biết đến qua cái tên nguyên thủy là”Parking Volley Ball”, ở ngay parking của pavillon Pollack (tôi đã có lần tường thuật trong Đặc San Đất Lạnh 2007 với các màn đánh đơn, đánh đôi, đánh tay ba, tay tư...tay bảy, tay tám...). Đến niên khóa 67 thì hội bóng chuyền của chúng ta được tăng cường bởi một danh tài (của rất nhiều bộ môn thể thao, dân Taberd mà), đặc biệt là đá banh với vị trí trung phong, của đội bóng chuyền với những đường giao banh, bỏ nhỏ, vớt banh thật ngoạn mục, bóng rỗ, bóng bàn, quần vợt cả thảy đều xuất sắc. Bắt đầu từ thời điểm này, đội bóng chuyền được “dọn nhà” vô gym của Grand Séminaire (lúc này PEPS còn đang được xây cất chưa xong). Đội bóng chuyền gồm những cầu thủ lâu năm như các anh: Nguyễn Ngọc Định, Phạm Cơ, Lê Khắc Huy, Lê Thế Chuyết...chúng ta có thêm những cầu thủ trẻ hơn như các anh: Nguyễn Duy Vinh, Huỳnh Hớn Kiệt, Nguyễn Hồng Hoàng..., bởi vậy trong những buổi tập dợt những ai tới trễ phải ngồi banc làm réservistes! Vào khoảng thời gian này làng thể thao của “xứ láng giềng” Montréal được tiếp đón hai tài danh đến từ Thụy Sĩ, đó là các anh Nguyễn Trung Lang và Nguyễn Trung Phương (hai anh em ruột), một người giao banh, một người “xì-mách” (thứ thiệt chứ không phải theo kiểu lobster đâu nhé) thật sấm sét ! Hình như vào khoảng mùa đông năm 69 thì phải, đội bóng chuyền của chúng ta đã được mời lên Montréal đấu giao hữu với đội Montréal (tôi chỉ được nghe anh Kiệt kể lại thôi, vì lúc này tôi đang đi làm ở Chicoutimi nên không có dịp tháp tùng theo đội banh nhà).
Sau hết tôi muốn nhắc tới bộ môn quần vợt. Chắc là các anh chị còn nhớ hai sân tennis tọa lạc ngay giữa ba pavillons: Pollack, Lemieux và Moraud. Hai sân này được tráng bằng đá xanh xay nhuyễn (khác với sân đất đỏ của Roland Garros). Cũng tương tợ như bộ môn bóng bàn, nhiều anh thời này đều thủ sẵn một cây vợt tennis hiệu Wilson, Dunlop... để thi nhau lả lướt với những ”cú droit” như vũ bão hoặc các đường banh amortis thật hiểm hóc. Những buổi trưa hè nắng gắt, mỗi lần cầu thủ di chuyển mau lẹ trên sân thì cát bụi bay mịt mù tựa như một “trận bão sa mạc” vậy. Vào lúc này, cây vợt sáng chói nhất của hội là anh Mai Xuân Lương với những cú “xoáy amortis” làm nhức nhối đối phương!
Kể từ sau những trận đá banh và bóng chuyền giao hữu giữa Québec-Montréal, thì một “rivalité” rất gay cấn sâu đậm giữa hai xứ láng giềng đã nẩy mầm. Tôi nghĩ cái “rivalité” giữa hai hội Hockey Canadiens và Nordiques vào hai thập niên 80, 90 cũng còn thua xa tinh thần ganh đua giữa hai hội Québec – Montréal vào thập niên 60, 70. Và sự ganh đua này đã dẫn đến hai trận thư hùng có thể được xếp như là “Tiền Đại Hội Thể Thao Bắc Mỹ”. Đầu tiên vào cuối tháng 5 năm 70, Hội Québec đã đón tiếp phái đoàn Montréal đến tranh tài trong ba bộ môn: bóng tròn thì đấu ở sân Lemieux, bóng bàn ở sous-sol Parent, và bóng chuyền ở gym của YMCA (trên đường St_Cyrille). Tôi còn nhớ rõ mỗi lần đội Montréal giao banh thì các ủng hộ viên của Montréal bắt đầu đếm: mõt, hai, “bùm”, với cú xì-mách sấm sét của anh Phương (với mái tóc dài “phất phơ trong gió” mỗi lần anh phóng lên để đập banh).
Tiếp theo đó, vào giữa tháng 8 cùng năm 70, các anh chị của Hội Sherbrooke đã có nhã ý tổ chức một tiền đại hội “tam giác vàng” giữa Sherbrooke-Montréal-Québec, và lần này, ngoài các bộ môn bóng bàn, bóng tròn, bóng chuyền còn có thêm môn Badminton nam nữ nữa. Trưa hôm nay ngồi xem trận chung kết đánh double của giải French Open, tôi chợt nhớ tới “miracle on clay” tại Sherbrooke, cũng tương tự như là Miracle on Ice của Hockey vậy. Giải tennis năm đó gồm hai trận đơn, một trận đôi. Bên Montréal được đại diện bởi hai cây vợt gạo cội: anh Nguyễn Văn Hỷ với những đường banh vũ bão, và anh Nguyễn Ngọc Giao cũng không kém bao nhiêu. Đội Québec thì do anh Mai Xuân Lương và anh Huỳnh Hớn Kiệt đại diện, nhưng anh Kiệt vì muốn dưỡng sức cho trận thư hùng bóng tròn vào buổi chiều nên đã nhờ tôi đánh thế chỗ. Thôi thì tôi cũng cố gắng lãnh trọng trách đại diện cho hội nhà! Trận thứ nhứt giữa hai cây vợt số một Nguyễn Văn Hỷ và Mai Xuân Lương đã diễn ra thật sôi nổi hào hứng, cuối cùng với những đường banh “xoáy” làm “tức tối” đối phương, anh Lương đã dành được phần thắng. Trận kế tiếp giữa anh Nguyễn Ngọc Giao và kẻ hèn này, nhưng theo đề nghị của anh Lương thì tôi chịu thua (forfeit) để dành sức cho trận đánh đôi quyết định (may quá tôi đã hiên ngang không đánh mà thua, biết đâu được, nếu có đánh cũng có thể ngựa về ngược chăng, biết đâu chừng anh Giao sẽ bị đau tay hay đau chân chạy không được lẹ... Nhưng giả thuyết này chắc khó xảy ra). Trong trận đánh đôi then chốt này, anh Lương đã đưa ra một chiến thuật độc đáo và lạ kỳ: tôi cứ việc lo bao sân phía sau, banh nào mà “lạng quạng” bay qua khỏi cây vợt của anh Lương thì tôi chỉ việc “dzớt” trả về phía bên kia là xong ngay, còn trên lưới thì anh Lương sẽ bao sân với những “cúp” sát lưới và xoái để làm nản lòng chiến sĩ. Quả thật như vậy, bao nhiêu banh lạc lõng qua được phía sau đều đã được tôi giao trả bên kia hết trọi không thiếu một xu nào. Tôi nghĩ chiến thuật đánh đôi theo kiểu này chắc là độc nhất vô nhị trên trường quốc tế lẫn quốc nội. Cuối cùng thì phe ta đã đoạt được chiếc cúp Davis của lần tiền đại hội này. Và tôi còn nhớ rõ như in những lời cổ võ khuyến khích thật hăng say của đông đảo các anh chị em Québec, đứng vây quanh sân. Đặc biệt sau đó anh Lê Hồng Hải đã than phiền với tôi là mỗi lần tới service thứ hai của tôi là anh phải nín thở đễ theo dõi quả banh được tung lên và sau đó nó cứ tà tà rơi xuống... xong không biết là nó sẽ vô lưới hay đi lang thang ra ngoài! Tại vì nếu service đầu tiên của tôi không “dzô” sân thì service thứ hai chắc chắn sẽ vướng lưới hoặc bay tuốt ra ngoài! Nói tóm lại tôi chỉ có được “một búa” service một ăn một thua mà thôi! Cũng may, búa thứ nhất của tôi đã được thành công nhiều hơn thất bại.
Hi vọng rằng những kỷ niệm của thời tiền sử tôi nhắc lại trên đây sẽ không làm phật lòng các anh chị ủng hộ viên của đội Montréal vào thời đó. Tôi chỉ muốn nhắc lại một vài kỷ niệm vui buồn của ngày xưa để chúng ta cùng nhớ lại một thuở huy hoàng đã ra đi! Hơn nữa, từ sau 75, rất nhiều những cách chim của miền Đất Lạnh đã “vì cơm áo” phải “tung cánh chim tìm về miền Đất Hứa”.
(Phóng-đại-viên Bùi Văn Tâm viết theo ký ức của hơn 40 năm trước..rất có thể hơi lệch lạc)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire