ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT
Nhưng mỗi hôm mỗi vắng...
Người xem Blog nay đâu?
Phím nhõ buồn không gỏ,
Rượu đọng trong ly sầu....
CHỦ ĐỀ (Click dưới đây để vào xem)
Rechercher dans ce blog
samedi 31 décembre 2011
HÌNH ẢNH VÀ VIDEO HỌP MẶT LAVAL 2011
samedi 26 novembre 2011
Tổng kết chi thu cho buổi họp mặt 2011
Thân chào các anh chị và các bạn, Để giải quyết số tiền thặng dư nầy, ban chủ trương (Nhi, Nghĩa, Thu) xin mạn phép lấy quyết định như sau: Chúng tôi xin thông báo cùng các anh chị và các bạn tổng kết chi thu kỳ họp mặt vừa rồi của chúng ta tại Sainte-Adèle. Với số tiền ghi danh mà chúng tôi đã nhận được, sau khi đã trả hết những chi phí cho những họat động của "Retrouvailles Laval 2011", số tiền còn lại là 285 $. (Xin xem chi tiết ở dưới đây). Chúng tôi đã đóng góp thêm để tăng số tiền còn lại lên đến 500 $, và thay mặt 'Cựu sinh viên Laval Québec- Retrouvailles 2011' gởi số tiền nầy qua anh Võ văn Đạt để chuyển lại cho hội SAP-VN (Social Assistance Program for VN) giúp các em khuyết tật tại VN. Anh Võ văn Đạt, cũng là cựu sinh viên Laval khoa 71-75, làm việc trong board of directors của hội này đã được trên 10 năm rồi. Hy vọng dược sự đồng ý và ủng hộ của các anh chị và các bạn. Thân chào, Ban chủ trươg HM Laval 2011: Nhi, Nghĩa, Thu - Tong ket tai chinh chi thu :
- Information SAP-VN : 12881 Knott Street, Suite #116 Garden Grove, CA 92841 (714) 901-1997 Web: http://www.sap-vn.org |
mercredi 2 novembre 2011
Anh có chắc không ? Are you sure ?
Anh có chắc không ? Are you sure ?
Tôi đọc sách về bốn sự thật tuyệt vời (The Four Noble Truth) trong đạo Phật và tôi thường suy ngẫm về những nguyên nhân gây ra khổ đau (Khổ, Tập, Diệt, Đạo). Đức Phật dạy rằng một trong những nguyên nhân lớn gây ra khổ đau cho mình và cho người là cái nhìn và sự hiểu biết của chúng ta về một hiện tượng hay sự vật. Đức Phật khuyên chúng ta nên tập nhìn sâu để hiểu vì cái nhìn của chúng ta có thể (và phần lớn là) sai. Ngài còn nói mạnh hơn thế nữa : “mọi tưởng đều là vọng tưởng”. Một tác giả hay thiền sư nào đó đã có lần viết bằng tiếng Pháp : “là où il y a perception, il y a déception” mà tôi dịch nôm na là « chỗ nào có “tưởng” là chỗ đó còn có sự thất vọng”.
Vọng tưởng thường được xem như là một chất độc trong số ba chất độc lớn (còn được gọi là tam độc). Đó là Tham, Sân và Si. Si chính là sự mê lầm, sự ngu dốt hay nói nôm na là nhìn và hiểu sai. Đi xa hơn tí nữa, Đức Phật đã đưa sự ngu muội của con người vào năm nguyên nhân chính (Tập) của khổ đau, đó là Tham Sân Si Mạn và Nghi. Ở đây tôi chỉ xin giới hạn lý giải hạn hẹp của tôi ở cái thấy và hiểu của chúng ta và tôi sẽ đưa ra hai thí dụ để dẫn chứng về cái nhìn đôi khi rất hạn hẹp của con người.
Thiền sư Nhất Hạnh trong một bài giảng Pháp ở Làng Mai đã nhấn mạnh rất nhiều đến cái nhìn (sai) của chúng ta thường là một trong những nguyên nhân lớn đưa đến khổ đau. Thầy lấy điển tích Thiếu Phụ Nam Xương, một điển tích nổi tiếng trong văn học và lịch sử Việt Nam, để dẫn chứng cho chủ đề của bài Pháp. Chuyện Thiếu Phụ Nam Xương phần lớn chúng ta đã được học qua. Chuyện kể về một người đàn ông sau ba năm đi vắng, đi chiến trận phương xa, khi về lại nhà đã có một nghi vấn lớn về đức hạnh của vợ mình. Ông tin tưởng là vợ ông có liên hệ với một người đàn ông khác trong lúc ông vắng mặt dựa trên lời nói của đứa bé và ông đã vội vàng tỏ thái độ lạnh nhạt với vợ. Cách đối xử lạnh nhạt của ông đã đưa đến cái chết tức tưởi của người vợ. Và người đàn bà này, mà truyền thuyết gọi là thiếu phụ Nam Xương sau này, đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Sau khi vợ mất, người đàn ông mới tìm ra là mình đã hiểu sai trong một bữa tối lúc ru con ngủ. Câu chuyện rất thương tâm. Chỉ vì nghe nhìn và hiều sai, người đàn ông đó đã gây ra một đổ vỡ lớn với thái độ của mình.
Trong một khóa tu ở Làng Mai, Thầy khuyên thiền sinh nên luôn đặt một câu hỏi mỗi khi mình có một cái nhìn và hiểu về một sự kiện hay sự vật : Anh (Chị, hay Em) có chắc không ? Are you sure ? Thầy ngụ ý khuyên chúng ta qua câu hỏi đó là chúng ta phải cẩn thận, phải suy xét thêm, phải học nhìn kỹ hơn, phải để thời gian nghiên cứu thêm (nhìn sâu để hiểu) trước khi đi đến kết luận về điều mình đang “tưởng”.
Gần đây nhất tôi có sống qua hai sự kiện (events) hoặc nói nôm na theo lối bình dân ở miền Nam là “tui có sống qua hai vụ khá sôi nổi” (để tránh không dùng chữ mới được dùng rất nhiều ở Việt Nam là chữ “sự cố” vì thú thật tôi hơi dị ứng với những chữ mới sau 1975).
Vụ thứ nhất là vụ nhà hàng xóm tôi ở Ottawa bị lụt vào giữa mùa đông. Nhà của Georges và Lorraine, (hai người hàng xóm dễ thương và tử tế bên cạnh nhà tôi), trong một buổi tối mùa đông bão bùng và nhiệt độ xuống đến âm hai mươi độ C (- 20 degrees Celsius), nước đã thấm vào tường dưới hầm nhà (basement) và tràn vào đầy basement. Lúc hai anh chị khám phá ra basement bị lụt, nước đã lên cao khoảng mười phân (10 cm). Mặc dù ở Canada, hầu hết nhà nào cũng có ống thoát nước ở basement nhưng khi nước vào nhiều và nhanh hơn lượng nước thoát đi, nước không thoát đi kịp tích trữ lại và tạo thành một cái bể bé. Khi anh Georges khám phá ra điều đó anh đã làm một đôi việc khẩn cấp. Việc đầu tiên là anh đã mượn được một cái bơm (pump/pompe) và cứ thế anh cho máy bơm chạy để lấy bớt nước đi và làm cái bể nước thấp dần và bé đi rất nhiều mặc dù nước vẫn tiếp tục tràn vào qua các vách dưới hầm.
Viết đến đây thì tính tinh nghịch của tôi lại nổi dậy. Tôi thầm đọc bài kệ mà tôi học được trong một khóa tu :
Nước từ nguồn đất sâu.
Nước từ vùng núi cao.
Nước mầu nhiệm tuôn chảy.
Ơn nước luôn tràn đầy.
Câu kệ này là một câu trong số những bài kệ (gatha) được Thầy dạy cho các thiền sinh tập sống trong chánh niệm trong khóa tu và Thầy dạy các thiền sinh thầm đọc trước khi vặn nước robinet hay múc nước rửa tay. Tôi nghĩ nếu tôi đem câu kệ ấy ra đọc cho Georges và Lorraine (bằng tiếng Pháp dĩ nhiên) trong lúc này thì hai anh chị sẽ không vui lắm và sẽ nghĩ là tôi có tính chọc ghẹo không đúng cách vì lúc nước tràn vào nhà như thế và làm hủy hoại phần lớn những bàn ghế và thảm trải (carpet) ở basement thì không ai muốn mang ơn nước này tí nào !
Điều thứ nhì khẩn cấp mà Georges đã làm là anh đã gọi City (Ville hay nôm na là Thành Phố tức là “Sở lo về nước nôi của thành phố”). Lúc đó là khoảng 11 giờ đêm. Trời rét như cắt mà nhân viên thành phố đã đến ngay. Hai ông nhân viên thành phố đã đào một khoảng đất nhỏ ngay góc sân nhà tôi và nhà anh Georges, đúng chỗ nước thành phố được đưa vào nhà chúng tôi, và họ dùng một dụng cụ để nghe được tiếng nước. Các bạn không thể nào ngờ được. Chúng ta ở thế kỷ đã đem được người lên cung trăng mà cái dụng cụ đó chỉ là một cái ống điện thoại đơn sơ với một đầu gắn vào một sợi giây điện (giống cái trò chơi điện thoại lúc tôi còn bé ở Việt Nam, dùng hai cái ống lon sữa bò và một sợi chỉ căng giữa hai lon để giả làm điện thoại nói chuyện với nhau). Nguyên tắc ở đây cũng vậy. Sơi giây điện thay cho sợi chỉ. Ống lon sữa bò ở đây là cái điện thoại mà quý vị vẫn dùng. Ông thợ của thành phố đặt đầu dây dí trên ống nước, đầu kia ông để tai vào điện thoại và ông kết luận : có ống nước dưới đất bị vỡ ! Và hơn thế nữa họ còn quả quyết sau hơn 15 phút nghe tới nghe lui và một trong hai ông thợ bấm chuông nhà tôi vào đúng lúc nửa đêm và đã nói một câu kết luận làm chúng tôi rụng rời : “chúng tôi tin rằng cái ống dẫn nước vào nhà ông bị vỡ” ! (Trời đất quỷ thần, giống như đi xem kịch, “không không bố tôi đêm tối mới về, không không bố tôi đêm tối mới về” !!! my Goodness !). Tôi thốt lên câu đó và vì có chút học thức về ngành lưu chất động học, tôi không tin và vặn lại ông ấy : “are you sure ? how do you know it ?” (ông có chắc không ? làm sao ông biết được điều đó ?). Ông thợ mời tôi ra ngoài và đã cho tôi ghé tai vào điện thoại và tôi đã nghe thật rõ ràng tiếng nước chày ầm ĩ giống như tiếng kêu vi vút của một ấm nước đang xôi. Tôi hỏi lại : thế tôi phải làm gì ? Ông ta nói vì ống dẫn nước này nằm trên sân nhà tôi (mặc dù ống đó đã do Thành Phố đặt) nên chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Trong một khoảnh khắc nào đó, tính tinh nghịch của tôi bỗng biến mất. Tôi tiu nghỉu vào nhà báo tin cho vợ. Cả hai vợ chồng bàn với nhau là sẽ gọi một công ty đào rãnh và sửa cống nước ngày hôm sau vì giờ đó quá khuya không có công ty nào làm việc cả.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi gọi được một công ty bé và ngay chiều hôm đó họ đã dùng máy đào xong cái rãnh lớn (gần giống như đường hầm hay thông hào (“tranchée”) trong các trận đánh vào đệ nhất thế chiến tuy bé hơn (ngang khoảng nửa thước, sâu hơn một thước và chạy dài từ đường cái vào nhà chúng tôi, khoảng 8 hay 9 thước). Và cái khám phá đầu tiên đã làm mọi người ngạc nhiên la ồ lên và lắc đầu lia lịa : không thấy ống nước vỡ mà cũng không thấy nước đâu cả ! Cái ống dẫn nước bằng chì (lead/plomb) vào nhà chúng tôi nằm im lìm dưới lòng đất khô ráo ! Cái “tưởng” của nhân viên thành phố qua “cặp mắt” điện thoại và giây điện đơn sơ đã …không chính xác ! Chúng tôi nhân dịp này đã yêu cầu công ty sửa chữa trước khi lấp đất lại thay cái ống bằng chì (nghe nói rất độc) bằng một ống mới bằng đồng dẫn nước vào nhà chúng tôi. Cả thảy tốn hết 5 nghìn đô la “Con Vịt Điên” ($ CDN) và chúng tôi đã không được hãng bảo hiểm đền lại cho một cắc vì họ nói vụ ống nước vỡ và lụt basement là một “công việc” của Đức Chúa Trời (Act of God) và họ không có khoản bảo hiểm đền tiền khi lụt lội bị gây ra bởi thiên tai (trong trường hợp chúng tôi là vì trời quá lạnh làm vỡ ống nước, chuyện rất thường xảy ra ở Canada). Có dịp tôi sẽ nói thêm về cái nhìn này nữa (Act of God, are you sure ?). Bây giờ tôi xin tiếp tục về cái “tưởng” không chính xác của nhân viên thành phố. Phải nói nhanh là dù phải trả một giá đắt, chúng tôi rất vui và yên tâm khi biết chắc chắn là nước chảy vào nhà Georges và Lorraine, những người hàng xóm thân quý, không đến từ nhà mình. Và bạn biết không, vẫn tiếp tục với phương pháp cũ rích và không chính xác, nhân viên thành phố liên tục mấy ngày sau đến cả đoàn hì hục tiếp tục đào những rãnh thông hào trước nhà chúng tôi và nhà anh Georges để tìm chỗ nước vỡ. Sau một tuần họ vẫn không thấy nước đâu, mà khi nghe trong ống điện thoại, vẫn chừng đó tiếng kêu the thé của cái nồi nước đang xôi. Rồi họ bỏ cuộc. Toán nhân viên thành phố ngừng đào.
Đùng một cái. Thật vậy, đùng một cái. Vào giữa đêm một tuần sau đó. Trong khi cả xóm đang mơ màng giấc điệp (hoặc nói theo tiếng Tây là đang nằm trong vòng tay của bà tiên Morphée, đang ngủ say sưa ấy mà), một khối nước khổng lồ đã trồi lên và chảy cuồn cuộn từ cái ống dẫn nước chính của thành phố bên cạnh nhà hàng xóm thứ hai là nhà của anh chị Roger và Linda, cách nhà chúng tôi khoảng năm mươi thước. Cả xóm thức dậy, nhà nào cũng vặn đèn sáng choang vì nhân viên thành phố với xe to và tiếng động khoan đất ầm ĩ đã đánh thức cả xóm. Ai nấy hoan hỉ vì đây chắc chắn là nguyên nhân gây lụt nước nhà anh Georges. Nước cuồn cuộn phun lên mặt đất tạo thành một vũng lớn trước nhà Linda và Roger…
Vài ngày sau, thợ đã chữa xong. Nước lụt nhà Georges ngừng chảy. Nhân viên thành phố ra đi không một lời xin lỗi hoặc giải thích về sự việc xảy ra…Một bài học lớn cho họ trong việc tìm nguyên nhân vỡ nước với cái phương pháp cổ lỗ sĩ không chính xác của họ. Lúc sửa xong, tôi có xin họ cho để ống nghe và tiếng kêu vi vút không còn nữa…
Và tôi xin kể tiếp về vụ thứ nhì mà chúng tôi vừa sống qua. Từ khi về lại nhà cũ sau ba năm vắng mặt, chúng tôi đã gọi hãng Bell để đặt lại đường điện thoại cho nhà. Từ hôm nhân viên Bell đến gắn giây và cho số điện thoại mới, điện thoại nhà chúng tôi không chạy tốt. Mỗi lần như thế, tôi than phiền với Bell và họ lại gửi một chuyên viên đến. Cả thảy mất hết bốn lần trong hai tuần liên tiếp. Mãi đến lần thứ tư họ mới tìm ra “căn bệnh” chính của đường giây. Máy của chuyên viên hãng Bell cũng thật đơn giản, không khác cái điện thoại nghe nước của nhân viên thành phố. Máy đó là một máy đo điện trở thuần túy (resistance, đo bằng độ ohms). Lần đầu họ nghĩ là đường giây từ cây cột gỗ trong vườn nhà đến hầm nhà chúng tôi bị hỏng và họ đã thay giây này. Vài ngày sau điện thoại lại không chạy, lúc chạy lúc im lìm như đường giây bị cắt. Để giúp cho việc “chẩn bệnh” của họ được dễ dàng hơn, tôi đem hết những quan sát của mình về những triệu chứng ghi nhận được kể lại cho ông chuyên viên. Lần thứ tư này khi ông chuyên viên mới đến thì điện thoại lại tự nhiên chạy tốt. Ông không làm gì hơn. Tuy thế, khi ông vừa rời nhà thì điện thoại lại ngừng chạy. May thay nhờ ông cho tôi số điện thoại di động và tôi đã gọi ngay và ông đã quay trở lại. Và sau hơn một tiếng đồng hồ, ông đã tìm ra là giây điện thoại bị lỏng và nằm rời rạc ngay ở cây cột chính trên xa lộ gần nhà và tùy vào lúc có gió hay không có gió, sự va chạm của giây điện thoại ở cây cột chính gây ra bởi gió đã tạo nên sự không liên tục trong đường giây nhà chúng tôi. Đây là một bài học lớn ông chuyên viên nói với tôi. Máy móc ông có không đủ sức tìm ra sự không liên tục này. Phải có mặt thật lâu và theo dõi căn bệnh lâu dài mới “chẩn” được bệnh một cách chính xác…
Nói đến đây tôi lại chợt nghĩ đến tình hình nước Việt thân yêu của chúng ta. Câu hỏi tôi thường đặt ra và qua bài này xin gửi đến các vị trong Bộ Chính Trị của nhà nước Việt Nam : các ông có chắc chắn là đường các ông đang đi là đúng ? Are you sure ? Các ông đã đem tư duy Mác-Lê Nin áp lên đầu của hơn 80 triệu người Việt Nam. Điều 4 của Hiến Pháp Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay viết “Đảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân ... đại biểu trung thành của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội”. Nhà nước Việt Nam, sau rất nhiều lần thay đổi hiến pháp (hiến pháp đầu tiên được viết vào năm 1946), đã làm ra Điều 4 này bằng cách chép lại Điều 6 của Hiến Pháp Liên Bang Sô Viết, dành độc quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng Sản Liên Xô trước kia. Sau cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu và tại Nga vào những năm 1989 và 1991, tất cả các nước cộng sản cũ tại vùng thế giới này đã đồng loạt xóa bỏ 3 điều trong hiến pháp của nước họ. Ba điều đó là : (1) chủ nghĩa xã hội Mác-Lênin và chế độ chuyên chính vô sản, (2) sự độc quyền ý thức hệ (độc quyền về cái nhìn và hiểu của mình !), (3) chính sách độc đảng và độc quyền lãnh đạo của đảng cầm quyền. Ngày nay, mặc dù “Điều 6 Hiến Pháp” đã được lấy đi trong hiến pháp mới ở Nga cũng như trong hiến pháp của các quốc gia đã từ bỏ chế độ cộng sản, một số đảng viên tiến bộ trong các đảng cộng sản cũ đã thay đổi cái nhìn của mình và họ đã viết những bài khen ngợi chủ nghĩa dân chủ tự do hay dân chủ xã hội (socialisme démocratique). Gần đây nhất, người dân đã bầu một vị lãnh đạo Đảng Cộng Sản Ba Lan cũ vào chức vụ thủ tướng. Và ai cũng biết đương kim thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức là một nữ chính khách (bà Angela Merkel) đã từng sinh hoạt trong chế độ cộng hòa dân chủ Đức trước kia (còn thường được gọi là Đông Đức).
Xã hội và người dân Việt Nam theo các bài trên mạng và sách vở báo chí mà tôi đọc được đang sống trong những điều kiện rất khó khăn. Việc tranh sống hằng ngày của đa số người dân Việt ngày hôm nay trong nước rất khó nhọc. Bất công vẫn còn rất nhiều. Đạo đức luân thường có phần đi xuống. Tham nhũng trong chính quyền rất trầm trọng. Giáo dục và y tế, nhất là ở nông thôn và những vùng hẻo lánh, nghe nói còn tệ hơn thời nước ta có chiến tranh. Sau 66 năm cầm quyền, đảng cộng sản Việt Nam, dựa trên những kết quả về sự ấm no và hạnh phúc của người dân hiện tại trong nước, đang đưa nước Việt vào trong một đường hầm tối tăm. Đã đến lúc người dân phải nói lên tiếng nói của mình và đòi hỏi một sự thay đổi để chuyển hóa cuộc sống. Những đảng viên tiến bộ có tinh thần yêu nước thật sự phải tự đặt câu hỏi về hướng đi của xã hội chủ nghĩa (mà họ luôn đang định hướng !). Nước ta đang bị “bệnh” trầm trọng, hướng đi hiện tại không đem đến hạnh phúc, tự do và độc lập cho người dân. Chúng ta cần có “thuốc” mới để chữa bệnh. Sáu mươi sáu năm đủ dài để chúng ta thấy việc chẩn bệnh đã quá đủ chín chắn. Và dĩ nhiên các bạn có thể hỏi ngược lại tôi : Are you sure ? Và câu trả lời của tôi sẽ là : YES I AM DAMN SURE.
Nguyễn Duy Vinh (Laval 1966-1976)
mercredi 7 septembre 2011
Một bài Blog cũ....
Hai năm, ba năm.
Rồi đi, đi không xa. Hơn ba, bốn mươi năm mới về.
Ở không lâu mà vẫn nhớ.
Thì ra, ở đời, không cần phải lâu mới giữ lại được trong lòng mình những kỷ niệm xưa, vui có, buồn có.
Xa Đất Lạnh thật lâu.
Ở bên cạnh đó sao không về?
Gần mười năm nay, có lúc đưa bạn bè về thăm trường cũ.
Thăm Laval, Đại Học Laval, thật ra để thăm lại Đất Lạnh của mình ngày xưa.
Vẫn cột cờ, có mấy con chim, vàng đỏ.
Vẫn ba cư xá, không biết đã đổi tên chưa, ngày xưa gọi là Moraud, Lemieux, Parent.
Cả résidence của ai.
Nhớ.
Nhiều lắm.
Nhớ báo Carabins.
Nhớ Résille cuối tuần,...
Nhớ người ngày xưa.
Rồi nói nho nhỏ với mình, bắt chước Đinh Hùng:
Hôm nay tôi lại về chốn này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ.
Mới hè, đâu lá nào đã rơi.
Năm ngoái, về thăm Đất Lạnh, đi qua Đại Học, đi từ Moraud qua nhà thờ, muốn nói với những sinh viên đi qua,
Voyez-vous, j'étais ici il y a quarante ans.
Ai có thì giờ để nghe mình nói.
Lúc đó, xa Đất Lạnh để mưu sinh.
Quên.
Quên cảnh, quên người.
Cảnh Québec những ngày đó còn hoang sơ lắm.
Québec lúc đó có gì lạ đâu em.
Lại mượn văn nữa rồi.
Chờ bao nhiêu giờ mới thấy bus Cité Universitaire đến để đi từ Haute ville về Basse ville.
Haute ville có Đại học, Place Laurier, Miracle Mart, Steinberg, có nhà nơi ai ở trọ ngày xưa, có hiệu tạp hóa gần tháp TV, mỗi lần có tiền, mấy đứa rủ nhau đi mua bia, salami, laitue về phòng đình đám.Basse ville trên đường St-Vallier có Canton, quán ăn Tàu, thực đơn tiếng Việt in Ronéo, thức ăn Việt do các anh chị đến mấy năm trước chỉ cách nấu cho chủ quán.
Ông bà chủ cọc cạch: ông chủ Tàu lúc đó đã thượng thọ còn bà chủ Còi tuổi chưa bốn mươi, nhan sắc chưa nhạt phai nhưng sao đôi mắt buồn.
Chắc cũng có thế thôi, hay có đường Scott, dọc theo St-Jean, song song với Ste-Gabrielle, nơi sống gần một năm, lúc bắt đầu có mộng thoát ly đời cư xá.
Quên thì lúc đó phải quên nhiều lắm. Quên những bài hát đầy tình tự hay thất tình của tuổi hai mươi: Kiếp Sau, Bên Kia Sông, Đây Bài Thơ Cuối Cùng, ... để trên đường đi làm ở quán ăn, nghe lải nhải từng giờ mấy câu Expo, Expo của Stéphane Venne viết cho Expo 67.
Phải đó là cơn gió lốc đang kéo mình ra khỏi đời sinh viên?
Còn quên người, nói vậy, sao mà quên.
Anh lại nói sai rồi.
Đây bài thơ cuối cùng là lời hát, chứ không phải là tựa đâu.
Ừ. Nhưng được lời, mất ý. Được ý, quên lời.
Con người cũng thật hay, nói quên nhưng thật ra là nhớ.
Thôi, tôi quên Đất Lạnh rồi.
Bảo quên đâu đã dễ gì quên.
Tôi đến với Đất Lạnh như thế đó.
Tôi đến Đất Lạnh, những năm đầu thập niên sáu mươi, lúc ở trong nước, thời cuộc còn tranh tối tranh sáng, đảo chính, chỉnh lý, xuống đường và những chuyện pháp nạn, đi biểu tình để bảo vệ các thầy.
Hai mươi năm tuổi trẻ biết cảnh chùa ra sao.
Thế rồi cũng phải theo lối xóm đi biểu tình. Mặt ngơ ngác, đứng dưới nắng chang chang cả ngày. Mới biết cái áp lực của đám đông, psychologie de masse, les chèvres de M. Séguin, effet d'enchainement, ...
Cuộc đời học sinh, ngày rằm và mồng một nào cũng phải nghỉ học.
Đâu phải để đi chùa. Cha mẹ bán đậu hũ ở chợ. Ngày rằm, mồng một, cha động viên đàn con ra chợ, chị bán, em chiên đậu. Sau đó, đậu còn lại đem làm chao, ngon lắm.
Ngày rằm, mồng một đem lại lợi tức cả tháng cho gia đình.
Những đứa đến Đất Lạnh với tôi năm đó, tuổi đứa nào cũng có thể gọi là tranh tối tranh sáng: nếu không thành nhân, không khéo có khi thành phiến loạn nữa cũng không chừng.
Mấy tháng đầu, năm mới đến, cũng tạm yên vì đứa nào cũng phải lo học, trường mới, ngôn ngữ mới. Học khoa học, bên cạnh để quyển tự điển Pháp-Việt Đào Văn Tập và Danh Từ Khoa Học Hoàng Xuân Hãn như bùa hộ mệnh.
Đến Giáng sinh, sinh viên địa phương về nhà của họ, mấy anh sinh viên du học được gom về sous-sol pavillon Moraud để trường dễ quản lý. Sau một hai ngày ăn không ngồi rồi, bắt đầu thấy ngứa tay, đang lúc muốn làm cái gì lại nghe một đề nghị hấp dẫn: Chúng mình nên viết báo tụi mày ạ.
Nhớ ngày ở Chu Văn An, gần Tết, các trường bạn đến bán báo Xuân.
Mấy cô Gia Long nói cho qua rồi đi. Độc giả của họ là học trò Pétrus Ký.
Nhưng khi mấy cô Trưng Vương tới, sao mặn mà làm sao.
Một lần có cô nói:
"Báo Xuân Trưng Vương năm nay có nhiều bài thơ hay lắm.
Mùa Xuân mùa Xuân rồi,
Người thương người thương ơi...
"Thế là các anh móc túi lấy tiền mua báo.
Hồi đó, đâu đã nghe đến chữ Marketing, sao cô bán báo giỏi quá.
Thôi, chẳng có gì lạ dưới cõi đời này.
Nhưng Tổng hội SVVN tại Québec đã có báo Đất Lạnh, làm tờ khác ai đọc?
Phải nói Việt Nam ta ở đâu cũng nhất cả.
Ở Laval lúc đó có khoảng 30 sinh viên, ít hơn Montréal 20 người, nhưng không chịu thua: Đã có Hội, phải gọi là Tổng hội mới được.
Chẳng biết có anh nào trong nhóm tôi, nói làm sao để anh chủ bút Đất Lạnh không những không kiểm duyệt nội dung còn dành cho một phần riêng trong báo.
Được nhận đăng bài tốt quá nhưng viết gì đây?
Phan phụ trách Điểm báo. Anh chàng không cao, người xứ Quảng, từ lúc đến Québec, đi salle de lecture của cư xá nhiều hơn đến lớp; đọc Paris Match, Time, Life, Newsweek nhiều hơn học notes de cours Physique atomique của Pr Larkin Kerwin;
Triều bình luận Chính Trị;
Lang viết về Hiện Sinh, trích dẫn Sartre, Gabriel Marcel, Camus, Heidegger,... nhưng không ai hiểu hắn viết gì.
Cũng có những mục không thể thiếu như Sớ Táo Quân, Tìm Bạn Bốn Phương, Thư Bạn Đọc.
Bài nhiều nhưng vẫn thiếu một bài gì có vẻ tình tự, một câu chuyện tình: tình yêu, tình phụ, tình đầu, tình giận hờn, tình học trò, ...Đâu có ai thương hay đâu dám thương ai nên biết gì để viết chuyện tình. Mấy cô đi cùng chuyến, chỉ một tuần sau đã có Mustang, Valiant dẫn đi Lac Beauport, Ile d'Orléans ngắm cảnh mùa thu rồi.
Nhìn lại trong bọn, theo tướng số, hình như đứa nào cũng có thể thành trí thức, nhân sĩ.
Vậy mà chẳng đứa nào có vẻ nhà thơ, nhà văn để viết được một vài câu ướt át "cho vừa lòng em".
Rồi một hôm Điệp mang nộp một bài cậu ta gọi là tùy bút, mang cái tựa xa vời, Kỷ Niệm (!!!). Nội dung không gì lạ: hai cô cậu quen nhau rồi xa nhau.
Bài viết như bức thư của một anh thất tình viết cho người yêu, gọi thư tình hay tùy bút cũng được. Tôi còn nhớ câu cuối, hình như là:
Anh sẽ ghi nhớ mãi, hình ảnh người con gái, lần đầu tiên anh gặp và anh đã từng yêu tha thiết trong đời.
Điệp viết văn xuôi cứ như làm thơ.
Thế là, báo của tụi tôi đã có đủ hỷ, nộ, ái, ố rồi.
Sau khi báo phát hành, nhiều người hỏi anh chàng thất tình đó là ai.
Chuyện làm báo Đất Lạnh lần đầu tiên ngày xưa đại khái như thế.
Rồi gian díu với nhau bao nhiêu năm.
Tôi nhớ bài Ca Huế tựa là Tương Tư, Thanh Tâm hát:
Chút nữa ra về
Có dang dở chi không.
Dang dở với Đất Lạnh lúc đó và cho đến bao giờ.
Về sau Đất Lạnh ra thường hơn.
Có người biết và bài gởi về nhiều hơn.
Một hôm, trong số bài nhận được có một bài thơ đến từ xa, Saskatchewan hay Alberta.
Cũng một bài thơ tình: Hai người quen nhau rồi xa nhau. Lần này người làm thơ là con gái.
Thơ gởi về đều lắm.
Để rồi quen thói, mỗi lần đến giờ tombée của tờ báo mà không nhận được bài thơ miền Tây thì cứ cố chờ.
Thời gian đi qua mau.
Sống với nhau vài năm sau đó mỗi đứa đi một nơi.
Phần đông tìm cách học cao hơn; một số tìm việc làm, lúc đó khó lắm. Có đứa học xong về nước. Mỗi đứa một cuộc sống, bị lôi cuốn theo cơn bão lốc của số mệnh đời mình.
Lang bây giờ đi công quả ở chùa hay đó chỉ là cái cớ.
Điệp lâu lâu viết tùy bút hay dịch chuyện, thường là chuyện tình, tan nhiều hơn hợp. Cả quyển tiểu thuyết hắn cô đọng lại năm, mười trang nhưng ý chính vẫn không mất. Cha mẹ sinh con, đặt cái tên cắt cớ đó làm gì để cả đời Điệp đi tìm Lan!
Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.
Chơn, ngày xưa trước người đẹp, nói lấp bấp, bây giờ đứng đấu lý trước mấy chục anh tiến sĩ Đại Hàn rồi bọn chúng phải chịu thua. Học trò Ph.D. của Chơn nhiều lắm nhưng mỗi lần có việc về nước, ở chưa hết ba ngày hắn đã chạy.
Bó thân về với triều đình.
Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao.
Uyên vẫn đi làm bồi. Lao động là vinh quang.
Quả tình đời người có số. Thành công hay thất bại, chuyện đó cũng thường.
Năm ngoái có đứa về VN, tìm mấy bạn vong niên thuở Đất Lạnh ngày xưa, đứa gặp đứa không.
Có đứa làm hồ nuôi cá, khi cá lớn cho người ta đến lấy không tính tiền vì hắn chỉ muốn cất một cái chòi trong hồ rộng để câu cá lúc trăng lên.
Trần, cũng nguời Đất Lạnh thuở tranh tối tranh sáng ngày xưa, tính cương trực, từng ở trong ban chấp hành ngày nào.
Học xong về VN liền. Mười mấy năm nay ở tù chung thân, hình như cái tội là không biết... phải không. Năm 2006, vợ con đến khách sạn phải trình bao nhiêu giấy tờ ở Lễ Tân mới gặp được bạn của chồng. Con trai hai mươi mấy tuổi, mười mấy năm không có cha. Mắt buồn nhưng vẫn còn tin có ngày cha về.
Anh ạ, chồng em mà đi tù thì cả nước phải đi tù. (1)
Hôm nay, có ai hát bài Chiều Tây Đô với tôi không?
Ngày xưa, thuở uống bia, ăn salami, gọi thức ăn ở Pen Mass, khi bạn bè chén chú chén anh, Trần và Điệp kéo nhau đi dịch sách!
Dịch cả câu chuyện của Tourgueniev mà hình như những câu dịch báo trước số mệnh của Trần:
Giờ đây khi bóng chiều bắt đầu bao phủ đời tôi, còn gì tha thiết hơn ...(À présent que les ombres du soir commencent à envelopper ma vie, que me reste- t-il de plus cher ...)
Đoạn còn lại để ai còn nhớ người bạn Đất Lạnh ngày xưa thì đi tìm.
Đối với tôi chắc cũng vậy.
Giờ đây khi bóng chiều bắt đầu bao phủ đời tôi, tôi đi Ottawa, Toronto, Québec, Sherbrooke..., kể chuyện Đất Lạnh tìm những bạn ngày xưa.
Chuyện của Trần người ta nói dễ thôi. Biết cách thì cũng xong.
Tiếng Việt sao nhiều nghĩa quá.
Chánh ở Toronto bảo người con gái làm thơ miền Tây đã có chồng.
Hầu Montréal lại nói khác:
Cô ấy đi tu từ lâu rồi, mới gặp lại hôm rằm tháng sáu.
Tôi ở Đất Lạnh không lâu.
Hai năm, ba năm.
Rồi đi, đi không xa. Hơn ba, bốn mươi năm mới về.
Ở không lâu mà vẫn nhớ.
T ơi, ai xưa về đây.
Có ở đó, mà chờ,
chờ nhau.
Giang.
tháng tám năm 2007.
(1) Bạn Trần của Chiều Tây Đô đã không còn dịp dự Retrouvailles với chúng ta nữa rồi, anh đã ra đi lúc còn ở trong tù đến nay đã sắp giáp năm (tháng 10 2010)...